Xưa & Nay

Vì “chợ” là một… tính từ!

Sáng cuối tuần rảnh rỗi vào facebook, thấy newfeeds hiện lên cái status của em, nhiều người vào like và comment quá xá. Tò mò vào xem thì thấy em viết lời kêu gọi tẩy chay chợ Đông Hà. Đọc kỹ hơn, biết chuyện em đi mua hàng bị nói thách, em tố mua phải hàng giả, giá cao mà chất lượng hàng lại thấp, rồi em phàn nàn chuyện chợ bẩn, chuyện ồn ào, em kêu mọi người mua gì thì vào siêu thị mà mua, chứ đi chợ làm gì. Giờ chỉ có người nhà quê mới đi chợ. Nhiều người vào bình luận, ủng hộ, như thể chợ bây giờ chỉ có những chuyện bực mình,  điều xấu xa nhiều hơn lòng tử tế.

Tôi đọc câu chuyện của em, cũng định vào viết đôi dòng, chia sẻ nhiều hơn những điều mình biết về chợ, nhưng không hiểu sao cứ ngồi lặng đi một lúc, tôi không trách, mà chỉ thấy thương em. Biết làm sao được, khi hiện tượng em thấy lại rõ mồn một thế kia, mà bản chất lại chìm khuất phía đằng sau. Con người cũng có tốt xấu, huống gì cả một ngôi nhà chợ to lớn như thế, nó cũng mang trong mình hơi thở cuộc sống, văn hóa và cách ứng xử của cả xã hội.  

Có thể hiện nay, tôi cũng như em, và mọi người sống trên đô thị này, đều muốn vào  siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các shop sáng trưng ánh điện để mua hàng. Ở đó, mọi thứ đều sạch sẽ, tiện lợi. Thế nhưng, cái từ “đi chợ” là ăn sâu vào tiềm thức rồi em ạ, như một thời trẻ nhỏ thiếu thốn, niềm vui là chờ mẹ đi chợ về để có được miếng quà, tấm bánh. Với du khách nước ngoài, chợ là một nơi phải đến, mặc thời gian có dài ngắn thế nào, eo hẹp đến đâu. Nếu muốn mua hàng thì họ đã tìm đến các trung tâm thương mại rồi, họ vào chợ để kiếm tìm những thứ mà ở xứ họ không có, hoặc đã mai một đi nhiều. Rõ ràng cái họ tìm kiếm không phải là hàng hóa, mà là một thứ khác, khó gọi tên. Em cứ đi cùng tôi, tôi sẽ chỉ cho em một gương mặt khác của chợ Đông Hà.

M. thân mến!

Nhà tôi ở phía bên kia sông Hiếu, mỗi lần qua cầu đều ngước nhìn chợ Đông Hà, một ngày không biết bao nhiêu lần. Hình ảnh khối nhà như hàng hàng lớp lớp chiếc thuyền nằm cạnh nhau, từng màu sắc đường nét gần như ghi dấu đậm sâu ở trong đầu. Rồi một ngày, tôi phát hiện ra các con đường lớn của thành phố này đều đi về chợ, như một vị trí bắt buộc phải đến. Tôi có thói quen lên google earth để ngắm nhìn vị trí ngôi nhà của… mình ở trên cao, rồi có khi hú hét vui sướng khi phát hiện ra công trình nào đó của bạn bè, người thân. Khi zoom nhỏ lại, thành phố Đông Hà bé lại như lòng bàn tay, vậy mà hình ảnh chợ Đông Hà vẫn hiện rõ mồn một,  chiếm một vị trí quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị.

Một góc chợ Đông Hà xưa

 

Theo các cụ xưa kể lại, chợ Đông Hà trước đây họp ở xóm Rèn, thuộc phường 3 bây giờ. Rồi sau đó, chợ được chuyển về vị trí như hiện tại, nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 9, lại gần sông Hiếu, yếu tố quan trọng để họp chợ. Đông Hà xưa có 3 chợ làng chủ yếu : chợ Lai (nằm ở phường Đông Lương) , chợ Hôm (phường Đông Lễ) và chợ Tây Trì (do nằm ở làng Tây Trì mà được gọi). Chợ Đông Hà hiện nay chính là chợ làng Tây Trì ngày xưa, có khuôn viên nhỏ bé, giữa có đình chợ có mái lợp bằng tranh, chủ yếu dành cho những người bán hàng ăn, bán những đồ dùng không chịu được nắng mưa. Xung quanh đình chợ là những sạp hàng quây lại bằng những tấm cót, gỗ mục hoặc những vật dụng được tận dụng lại. Chợ gần sông, gần đường nên càng ngày càng sầm uất, những thương nhân lên xuống trên dòng Hiếu Giang đều ghé chợ để trao đổi hàng hóa. Cuối tháng chạp,  các bà các mẹ trong chợ góp tiền tế đàn tại miếu Âm hồn (nay nằm ở đường Phan Bội Châu) để mong công việc kinh doanh thuận lợi, mua may bán đắt.

Có thời gian bạn bè bốn phương ghé chơi Quảng Trị, là tôi dẫn đi thăm chợ Đông Hà, giới thiệu về vẻ đẹp của chợ, nói hoài đến thuộc lòng. Thế này em nhé! Năm 1989, sau ngày tỉnh nhà được lập lại, thị xã Đông Hà được chọn trở thành đô thị tỉnh lỵ.  Đông Hà có vị trí quan trọng trên tuyến quốc lộ 1 và đường xuyên Á, được coi là ngã ba Đông Dương. Để kích thích sự phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ,…việc cần phải có một ngôi chợ có quy mô đủ lớn để thay thế dần cho ngôi chợ làng nhỏ bé, là điều đã được các thế hệ lãnh đạo tính đến. Năm 1991, dự án chợ mới Đông Hà có số vốn là 36 tỷ đồng được khởi công xây dựng, với tác giả là kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận. Sau 4 năm thi công, giai đoạn I với 2/3 khối lượng công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng.  Công trình gồm ba khối  nhà chính, quay lại với nhau thành hình tam giác, trong đó có hai khối nhà cao hơn 6m, với hình thức kiến trúc cách điệu là những con thuyền nằm san sát bên nhau,  khối còn lại là khu chợ cá. Em nhìn mà xem, chợ ba phía là đường, một bề là sông, hướng nào cũng có thể tiếp cận người mua kẻ bán, cực kỳ thuận lợi. Phía Đông có đường Quốc lộ 1 tấp nập, phía Nam là đường xuyên Á đi lên Lào, Thái; phía bắc là con sông Hiếu êm đềm, sáng chiều tấp nập những con thuyền chở đầy cá tôm. Chợ rộng đến 14.000 m2 sàn, hơn 1100 lô quầy, thời điểm khánh thành, chợ được xem là lớn nhất miền Trung, nằm sừng sững bên sông như những chuyến tàu vươn ra biển lớn, bà con mình đi chợ mới mà ngỡ là mơ, đi cả ngày có khi không hết chợ.

Rồi như được tiếp sức vì cái chợ mới quê mình, bà con tiểu thương cũng dần dần học cái tiến bộ mà văn minh lên. Cái cũ, cái mới, truyền thống và hiện đại cứ mềm mại, khéo léo thích nghi, đan xen lẫn nhau. Cũ là kiểu buôn bán bên những sạp hàng, chen cả lối đi, tràn cả mặt đất, đập vào mắt người mua. Mới là sự sắp xếp rất khoa học, gọn gàng giữa các khu bán hàng và trong một gian hàng. Gần bến sông là khu chợ cá, hàng tươi sống;  giữa chợ bán trái cây, hoa quả.  Tiếp xúc với các mặt đường là mặt hàng làm đẹp, như hàng vàng, tiệm đồng hồ, đồ lưu niệm.  Áo quần, vải vóc thì được đưa lên tầng 2. Mới và cũ cũng đi vào cách ứng xử, thái độ của người bán, kẻ mua. Vào hàng ăn, vẫn là sự xởi lởi của O Huệ, mệ Lành,…múc tô cháo cho thêm nhúm ngò, xới dĩa cơm ăn kèm với khúc cá kho, cắn trái ớt cay xè lưỡi, rồi vừa ăn vừa nghe mệ hỏi có nhạt không để mệ chan thêm tý nước. Rồi mệ hỏi nhà con ở mô, làm chi, cầm máy ảnh to rứa thì chắc là nhà báo hi, con viết răng cho khách du lịch họ ghé tham quan cho nhiều nghe con. Vậy đó em, mấy mệ mấy O dù gặp khách lạ, cứ thủ thỉ tâm tình, thân thiết gần gũi như người nhà. Đi vào hàng giày dép, túi xách, đồ lưu niệm thì rất nhanh nhạy, rất thị trường và chuyên nghiệp, những phương thức bán buôn hiện đại, tiên tiến đều được áp dụng. Này nhé, mua một tặng một, mua nhiều giảm giá, cần thiết có thể ship tận nơi, phương thức thanh toán có thể tiền mặt, hoặc bằng tài khoản ngân hàng. Đó, em thấy chưa, truyền thống với hiện đại, mới cũ là vậy đó, đủ để chúng ta, cả em và tôi, tìm thấy mình trong đó, yêu quá phải không?

Đô thị Đông Hà càng phát triển, càng mở rộng chiếc áo của mình. Các chợ dân sinh cũng vì nhu cầu mà mọc lên nhiều thêm, mỗi chợ đều có mỗi đặc điểm riêng. Chợ Ngã tư Sòng mang tính chất như chợ đầu mối phía Bắc cho thành phố Đông Hà, chợ họp rất sớm, cá tôm từ Cửa Việt lên, rau củ từ Gio Linh vào; trứng, thịt từ Cam Thanh, Cam Thủy về, mọi thứ đều mới mẻ, tươi ngon. Chợ Hôm hoặc chợ Lai dù không còn giữ được vẻ sầm uất nữa, nhưng vẫn cung cấp những mặt hàng nhà trồng được, ba con gà, vài quả trứng hay mấy quả mướp trong vườn. Các chợ phường 3, phường 5,… cung cấp những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, để người mua càng thêm tiện lợi. Như bất kỳ nơi nào trên đất nước mình, những ngôi chợ lớn nhỏ ở Đông Hà – dù là chợ có lịch sử lâu đời hay chỉ là chợ chồm hổm, chỉ gặp mặt bên vệ đường trong buổi sáng sớm hay chiều muộn, thì đó đều là những thực thể sống, không thể thiếu trong đời sống của người thành phố xưa và nay. Cùng với năm tháng, chúng cũng thay đổi theo sự đổi thay của thời cuộc, lịch sử và lối sống của con người. Chỉ mong sao những giá trị của chợ truyền thống vẫn được người trân trọng và gìn giữ, dù cuộc sống có hiện đại đến mức nào.

                                    Cầu Đông Hà và sông Hiếu xưa

Em ạ!

Quê hương ngày càng đổi mới, rồi đây, có thể các trung tâm thương mại, siêu thị sẽ được xây dựng nhiều hơn. Em sẽ lại vẫn thích vào mua đó dạo chơi, mua sắm, vì em thích không khí ở đó, hợp với những người trẻ tuổi như em. Một ngày nào đó, khi vai trò của chợ truyền thống càng yếu đi, dẫu cho mọi người có thể phàn nàn mọi thứ về chợ, thì với tôi (và hy vọng cả em nữa), yêu mến cái không khí bán mua ở đó, vì chợ không chỉ là chợ, chợ còn là người.

Vì « chợ » là một tính từ !

 

3 thoughts on “Vì “chợ” là một… tính từ!

  • Long Tran

    Bài viết hay quá. Cảm ơn tác giả.

    Reply
  • Trâmmmmm

    Chào chú, ba con có 1 cái quầy nhỏ nhỏ ở chợ Đông Hà, nên chợ là 1 phần tuổi thơ của con. Chợ không chỉ thân thương như chú viết, mà đối với 1 đứa lớn lên nhờ những lời mời chào, những món hàng được trao đi ở chợ, thì nơi đây còn dạy con nhiều bài học về tình người, về sự biết ơn và bao dung. Những ngày ngồi phụ ba bán hàng, con nhìn thấy nhiều mảnh đời tội nghiệp được những tiểu thương ở đây bao bọc, có những o miệng lưỡi tuy đanh đá nhưng tốt bụng lắm chú nợ. Rồi có khi vì giành khách, họ cãi nhau, chửi thề, dữ lắm chú, nhưng mà vài ba bữa sau, họ lại nhắc nhở hoặc giúp nhau cái chi đó. Con đã từng rất ngại ngùng khi nói với bạn có ba bán ở chợ, vì nghe không sang chi cả :))))) Nhưng đến chừ, con thấy may mắn vì những trải nghiệm mà con có ở đây ^-^

    Reply
    • HuyHoang Design

      Chợ là một xã hội thu nhỏ, em ạ 🙂

      Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *