Xưa & Nay

Ngã Tư Sòng và làng cổ Kim Đâu

Ngã Tư Sòng, nơi ghi dấu bắt đầu con đường thượng đạo xuyên sơn ngày xưa nối vùng biển với vùng núi Cam Lộ-Quảng Trị, nối chợ Sòng với chợ phiên Cam Lộ, nay là giao lộ của đường xuyên Á chạy từ Cửa Việt lên Lao Bảo với quốc lộ 1.A. Ngôi chợ này ngày xưa cũng nhộn nhịp có tiếng với hai câu ca dao quen thuộc: “Vì răng mà bị chồng chê/Cũng vì bánh ướt, cháo kê Chợ Sòng”. Nhưng ít ai biết chợ Sòng nguyên ủy vốn nằm ngay trước ngôi đình làng Kim Đâu nơi có cây ngô đồng gợi nhớ những câu thơ nổi tiếng của Bích Khê. Trước mặt chợ vẫn là mảnh đất vốn xưa kia là những ngôi nhà của Hoa kiều mà dân ta quen gọi là người Ba Tàu. Nay cảnh vật yên ả mấy ai ngờ nơi đây một thời chợ búa sầm uất.

Miếu thờ bà chúa Ngọc (Huyền Trân Công Chúa)

Nằm cuối huyện Cam Lộ xuôi về phía đông có một ngôi làng khá đặc biệt, đó là làng Kim Đâu thuộc xã Cam An. Ở đây có nhiều di tích được nhà nước công nhận như tháp Chăm Kim Liên, giếng nước cạnh Bàu Đá và miếu thờ Bà Chúa Ngọc mà người dân Đại Việt cho đến ngày nay vẫn quen gọi là miếu thờ Huyền Trân Công Chúa. Cả cụm di tích được khởi nguồn từ người Chăm đã quần tụ trong một ngôi làng cổ như Kim Đâu cũng là nét riêng đặc sắc ở vùng quê Cam Lộ. Thừa hưởng tín ngưỡng thờ mẫu của người Chăm, người Việt cũng thờ phụng hình tượng công chúa Huyền Trân song trùng trong ngôi miếu này suốt nhiều thế kỷ đã qua. Đó là tâm nguyện biết ơn một nhan sắc cung vàng điện ngọc đã bước chân sang xứ người để Đại Việt mở mang bờ cõi. Trong một sáng nắng hè chói chang, người dân Kim Đâu đã chiêm bái người con gái đã làm nên sự kiện lịch sử đám cưới Huyền Trân công chúa năm 1306, mở ra một trang mới trong sử ký nước nhà, để lại bao niềm cảm thương, khâm phục với một người con gái đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho đại sự quốc gia, mở rộng cương vực trong đó có vùng quê Cam lộ, Quảng Trị qua hơn bảy trăm năm. Chính bước đi lấy chồng của Huyền Trân công chúa đã vẽ lại bản đồ quốc gia, để lại cho đời sau một vùng đất rộng ở phíaNam nước ta, để lại cho đời sau một gia tài vô giá khó có gì sánh nổi. Ông Trần Kim Tùng, Kim Đâu, Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị kể rằng ngôi miếu này đã có từ xa xưa lúc người dân Đại Việt mới vào đây sinh cơ ;ập nghiệp sau đám cưới của Huyền Trân Công chúa. Dân làng luôn dành cho bà một tình cảm kính yêu, ngưỡng vọng.

Giếng cổ người Chăm nằm phía trước Miếu thờ Bà Chúa Ngọc

Bàu Đá Kim Đâu cũng là một sự lạ của đất trời ân sủng.Nằm giữa vùng đồng bằng Cam Lộ, bàu nước này quanh năm không hề khô cạn, cây cối bên bờ mọc xanh tốt um tùm, phía dưới đáy bàu lại toàn là đá tảng, ngày xưa bà con dân làng đem lên dùng để làm nhà. Thật là một nơi phong thủy hữu tình không dễ có được trong những ngày nắng hạn mắt người như có khói. Ngay cạnh Bàu Đá là giếng vuông cũng bằng đá, di tích của người Chăm có tuổi đời ngót nghét sáu trăm năm. Bàu nước trong xanh với hai bên bờ chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử quả là một giai phẩm thiên nhiên ban tặng cho làng xóm Kim Đâu.

Hoàng hôn về trên Bàu Đá

Kim Đâu còn có ngôi chùa làng cũng vào loại chùa cổ mấy trăm năm. Chùa này vốn dĩ ra đời do nhu cầu đồng bào sùng mộ đạo Phật. Hàng trăm năm qua chùa thành nơi thăm viếng, khói hương của phật tử vùng này và không có sư trụ trì, mọi việc đều do làng coi sóc, mãi tận gần đây mới có  nhà sư được giáo hội cử đến lo phật sự. Ngôi chùa làng nằm xa phố xá, xa những con đường ồn ào náo nhiệt, ẩn mình phía sau làng nên gần gũi với người dân quê vốn chất phác, hiền hòa. Mỗi khi có dịp lễ trọng thì chúng sinh Phật tử chốn quê lại quây quần về đây sinh hoạt bên nhau để nêu cao một đời sống tâm linh hướng thiện. Cửa thiền rộng mở cho mọi người nuôi dưỡng khát vọng xây đắp một đời sống an lành. Người già,thanh niên và cả trẻ em tìm thấy một khung cảnh an hòa, thanh tịnh đặng tu tâm dưỡng tính và góp tâm lực của mình trong công việc nhà chùa. Phía sau chính điện là nơi phụng thờ hai vị tiền khai khẩn và các vị hậu khai canh có công lớn với làng. Vị sư trụ trì giới thiêu với người vãn cảnh chùa những chứng tích về một ngôi chùa làng đã có một quá khứ dài lâu. Những hình tượng Phật giáo, nhất là từ ngôi chùa làng luôn gợi lên cảm giác gần gũi, thân tình. Những hình ảnh, thanh âm quen thuộc, thân thương từ một ngôi chùa làng lại khiến cho  người dù là dân làng hay khách thập phương thấy tâm mình lắng đọng khi bước chân vào một  chốn thiền môn. Đại đức Thích Minh Nhơn, sư trụ trì chùa Kim Đâu, Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị đã cho hay dựa vào những vật dụng ở chùa như chuông có thể khẳng định đây là một ngôi cổ tự đã làm bạn với người dân qua hàng trăm năm nay.

Cổng chùa làng Kim Đâu

Làng quê Kim Đâu với hàng mấy trăm hộ dân đã vui buồn sớm tối có nhau, vẫn nhắc nhau lấy công việc siêng năng và đạo nghĩa, yên bình làm trọng đã thành một điểm nhấn sinh động trong bức tranh Cam Lộ vốn nhiều màu sắc. Không gì yên lòng hơn khi đến với một làng quê no ấm, an lành khi bà con muôn người như một trong khung cảnh thơ mộng, trữ tình.
Một vùng quê có đủ núi đồi, ruộng đồng, sông nước, có những di tích cổ kính ngàn xưa, có những tấm lòng thơm thảo và hiền lành, sâu xa như đất. Những mùa vàng đã dâng hiến cho nhà nông  vất vả sớm hôm, rút ruột mình ra mà cảm tạ công người trải qua lắm ngày mưa dầm nắng gắt. Đó cũng là những nét phác thảo đầu tiên khi muốn có một góc nhìn khác hơn về vùng quê Cam Lộ.

Phạm Xuân Dũng ( theo tapchicuaviet.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *