Xưa & Nay

Vua Thiệu Trị ngự giá Quảng Trị thi ân huệ cho dân

Trong một lần ngự giá Bắc tuần, vua Thiệu Trị đã qua Quảng Trị, tại đây nơi đầu tiên vua dừng chân là Trung Đơn, khi đến đây vua đã được nhân dân đón tiếp đầy đường, nhân dịp đó vua cũng đã ban ân huệ cho nhân dân ở nơi này. Sự kiện được ghi chép qua bài thơ Trung Đan tọa lạc ngọ đình, bài thơ được khắc in trong Ngự chế Bắc tuần thi tập.

            Khi ngự giá đến Quảng Trị vua Thiệu Trị có làm một số bài thơ về Quảng Trị như: Trung Đan tọa lạc ngọ đình; Quá Vĩnh Định hà cảm tác; Để Quảng Trị tân thứ hành cung; Thạch Hãn giang; Quá Ái Tử giang thuật cổ; Mai Xá hành cung lai yết… Những bài thơ này có giá trị lịch sử để nghiên cứu về vùng đất và con người Quảng Trị và những địa danh nơi vua đã từng đến như sông Vĩnh Định, sông Ái Tử… Đặc biệt, bên sông Vĩnh Định hiện nay còn có một tấm bia của vua Thiệu Trị, về tấm bia này chúng tôi xin công bố ở các bài viết sau: Khi ra Bắc từ Thừa Thiên đến Hà Nội vua đã cho lập nơi nghỉ trưa và ngủ đêm 41 chỗ: Kim Đôi, Đại Lộc, Trung Đan, Hồ Xá, Mai Xá tỉnh lỵ Quảng Trị, Xuân Hoà, Thuận Trạch, Mỹ Hương, tỉnh lỵ Quảng Bình, Đan Chê, Trảo Nha, Bình Lãng, tỉnh lỵ Ninh Bình, Đoan Vĩ, Lý Nhân, Đội Sơn, tỉnh lỵ Hưng Yên, Nhuế Dương, Mễ Sở, Đồng Nhân (đều là đường thuỷ), Quảng Lộc, Quảng Khê, Quảng An, Tĩnh Thần, Tĩnh Sa, Tĩnh Lạc, Tĩnh Khê, tỉnh lỵ Hà Tĩnh, tỉnh lỵ Nghệ An, An Kim, An Hưng, An Luỹ, An Quỳnh, Thanh Khoa, Thanh Xá, Thanh Thái, Thanh Tỉnh, Thanh Sơn, Biển Sơn, Ninh Du . Trong đó tỉnh Quảng Trị có các nơi như: Trung Đan, tỉnh lỵ Quảng Trị, Mai Xá, Xuân Hoà, Hồ Xá.
            Việc vua đến Trung Đan được sách Đại Nam thực lục ghi chép: “Ngày Nhâm Thân. Thuyền ngự đến Trung Đan (tên đất) thuộc tỉnh Quảng Trị, đường sông nông và cạn, quan tỉnh ấy vì làm việc này không đúng thể thức, bị ngôn quan đem hoặc. Ngay sau đó, các quan đại thần theo hầu, ra sức hộ dẫn, thuyền đi được ổn thoả”. Nhân đến lần này vua đã làm bài thơ.
            Về bài thơ Trung Đan tọa lạc ngọ đình được in ở quyển 1, tờ 12 sách Ngự chế Bắc tuần thi tập. Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn bát cú.
忠丹座落午停
已過承天轄
纔臨廣治疆
蒸黎迎拜謁
夾道共瞻望
且止吾舟楫
用酬爾地方
佇看來省莅
施惠遍村鄉
 Phiên âm:
Trung Đan tọa lạc ngọ đình
Dĩ quá Thừa Thiên hạt,
Tài lâm Quảng Trị cương.
Chưng lê nghênh bái yết,
Hiệp đạo cộng chiêm vọng.
Thả chỉ ngô chu tiếp,
Dụng thù nhĩ địa phương.
Trữ khán lai tỉnh lị,
Thi huệ biến thôn hương.
Dịch nghĩa:
Buổi trưa dừng nghỉ ở Trung Đơn
Đã đi qua địa hạt của Thừa Thiên,
Mới đến địa phận của tỉnh Quảng Trị.
Nhân dân đến nghênh đón yết kiến,
Đầy hai bên đường ai ai cũng trông ngóng.
Vừa kịp lúc thuyền của Trẫm dừng lại,
Để cùng mừng vui với  địa phương này.
Đứng xem khắp cả tỉnh lị,
Mà thi ân huệ cho khắp chốn hương thôn.
Sông Vĩnh Định được đào và nạo vét vào thời vua Minh Mạng
            Qua nội dung của bài thơ, có thể nhận thấy, vua Thiệu Trị vừa đặt chân đến mảnh đất Trung Đan thuộc địa phận Quảng Trị đã lập tức thi hành ân huệ cho khắp địa phương này. Không những thế, nhân dịp đó vua đã làm bài thơ để ghi lại. Bài thơ này có ý nghĩa đối với mảnh đất phụ cận kinh kì, bởi lẽ nó thể hiện sự quan tâm của vua với lê dân. Điều đó càng được khẳng định khi vua nhiều lần cho nạo vét dòng sông Vĩnh Định để phục vụ giao thông tưới tiêu thuận lợi. “Ngày Quý Dậu. Vua dời tỉnh lỵ Quảng Trị, bọn quan tỉnh Đặng Đức Thiệm, Nguyễn Văn Đạt, Đỗ Đức Tấn dẫn các thuộc viên ra chiêm bái. Vua hỏi việc làm ruộng trong tỉnh, Đức Thiệm tâu rằng : “Hạt chúng tôi đất xấu, dân nghèo, nhờ được đường sông có thể thông tới Kinh sư, dân nhờ vào số gạo ở Kinh mà ăn, không đến nỗi thiếu thốn”. Vua nói rằng : “Sông Vĩnh Định bắt đầu khơi từ trong năm Minh Mệnh, công, tư đều lợi, nay lâu ngày bị nghẽn dần, nên liệu khơi sâu thêm để cho đường sông lưu thông mới được”.  Đó cũng là tấm lòng của người đứng đầu đất nước quan tâm đến cuộc sống của dân chúng.
Nguyễn Huy Khuyến ( theo tạp chí Xưa và Nay)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *