Xưa & Nay

45 năm : Từ Trung học đệ nhị cấp đến THPT Đông Hà

Năm 1973, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã thành lập Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị [1] (nay là trường THPT Đông Hà)[2]. Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị là trường trung học duy nhất vùng giải phóng Đông Hà vào thời điểm này. Để có có một cơ sở dạy học, trường chọn khu vực dốc Sỏi để xây dựng trường, với sự giúp sức của người dân. Năm 1974 với 7 phòng học đơn sơ được hoàn thành, với phòng học lợp tranh tre, nền bằng những tấm ri (dùng làm tấm lót cho các lô cốt, nhà tạm dã chiến, bờ bao của quân đội Mỹ viện trợ cho Việt Nam).
Như vậy, ban đầu trường nằm ở Dốc Sỏi, Triệu Lương và sau ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất thì chuyển về địa điểm hiện nay – số 103 Nguyễn Trãi, (9/1975). Người hiệu trưởng đầu tiên là thầy Lê Quang Vãn (1973-1978) [3]các thầy cô Lê Ngọc Minh, Lê Đình Chương, Lê Trọng Lư, Lê Đình Ninh, Nguyễn Quang Khả, Nguyễn Xuân Lạn, Phan Thị Lương, Hoàng Đức Vinh, Hoàng Kim Cẩn từ miền Bắc trở về giảng dạy.
Buổi khai giảng đầu tiên ngày 11/11/1973
Theo thầy Hoàng Miên, ban đầu khi thành lập trường chỉ có 7 giáo viên: Lê Quang Vãn, Lê Ngọc Minh, Lê Đình Chương, Nguyễn Xuân Lạn, Phan Thị Lương [4], Lê Khả, Lê Trọng Lư, đã đến các vùng Do Linh, Cam Lộ, Triệu Hải kêu gọi học sinh về tựu trường, đến tháng 10/1973 trường có 275 học sinh theo học với 4 lớp 11 và 2 lớp 12. Thầy cô và học sinh phải ở nhà dân ở Triệu Lương, bàn ghế là do học sinh và thầy cô tự tạo. Ngoài ra, thầy và trò đi vào sân bay Ái Tử, Đông Hà nhặt nhạnh những mảnh gỗ ép, cột gỗ thông, từng tấm tôn dựng nên ngôi trường với hai dãy nhà, mái tranh xen lẫn mái tôn mọc lên nơi Dốc sỏi, chưa kể là ra Vĩnh Linh gùi gạo, sắn và bo bo về ăn và kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên có 94 người dự thi thì có đến 90 người đậu tốt nghiệp (Hoàng Miên, 1993:3).
              Một buổi sinh hoạt đầu khóa
7 người giáo viên ban đầu đến Đông Hà mà chưa có địa điểm đặt trường, chỉ có ghi tên học sinh với đồng chí Chương, giáo sư Địa lý của trường Sư phạm được Ty điều sang làm công tác chiêu sinh từ đó mà hình thành nên một ngôi trường cấp 3 Đông Hà.
Ngày 20/09/1973, thầy Lê Ngọc Minh đã viết lại: “20/9 chúng tôi rời Ty tạm về ở nhờ trường Sư phạm để làm việc… tại đây chúng tôi họp phiên họp đầu tiên của hội đồng trường Trung học đệ nhị cấp. Bây giờ 8 người chia làm 3 bộ phận. Đồng chí Lương, Hiếu lo chạy cơm áo gạo tiền và mọi chế độ chính sách. Nhóm Lư, Kha đi liên hệ địa điểm và Chương, Minh, Lạn lập danh sách học sinh cùng với công văn giấy tờ. Từ đây xem như là một căn cứ địa, ngày ngày chúng tôi tản đi lúc sáng sớm, tối tụ về bàn bạc với đôi bàn chân rát bỏng” (Lê Ngọc Minh, 1993, p. 7).
Từ sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân và cả trường Trung học đệ nhất cấp ủng hộ cho học nhờ tại Triệu Lương, 8 thầy cô giáo đã tiến hành xây dựng cơ ngơi mới “gói gọn trong một chiếc xe” xin từ công ty 1/5, chở bàn ghế, nồi niêu soong chảo mắm muối từ trường Sư phạm về trường Trung học đệ nhất cấp (Lê Ngọc Minh, 1993, p. 8).
       Khóa học sinh đầu tiên năm 1973
Đặc biệt, Trường trung học Đệ nhị cấp đón Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Chưởng về thăm trường ngày 20/10/1973. Trong gian khổ, thầy cô giáo trường Trung học đệ nhị cấp đã cũng vượt qua, cho đến lúc thầy Vãn chọn nơi đặt địa điểm trường Cấp 3 lúc này. Thầy cô giáo và học sinh đã bỏ ra hàng ngàn giờ công lao động dọn dẹp, đào hào, trồng hoa, trồng sắn. Lớp thầy Hoàng Đức Vinh chủ nhiệm trong một lần lao động làm vườn hoa, trước trường học. Học sinh nhặt được đạn 12,7 làm viền trang trí. Đang lao động thì nghe tiếng nổ, thầy Hoàng Đức Vinh kêu “Trời ơi! Học sinh lớp tôi”, do một học sinh dùng búa đạp đạn chưa nổ, đạn bổ làm học sinh này bị thương (Lê Đình Chương, 1993, p. 14)
Ngày 11/11/1973, đã tiến hành lễ khai giảng [5] năm học mới đầu tiên trong khi miền Nam vẫn đang còn chiến tranh. Khoá đầu tiên có 94 dự thi và có 90 học sinh đậu tốt nghiệp. Sau ngày 30/04/1975, đời sống của người dân Đông Hà dần đi vào ổn định, các gia đình di tản cũng trở về, đời sống của người dân Đông Hà dần hồi phục. Trường đã nhận được sự giúp đỡ của chính quyền thành phố Bologna (Italia) hỗ trợ xây dựng 12 dãy nhà tôn trên đồi cao (vị trí của trường PTTH Đông Hà ngày nay).
Từ ngôi trường mới này, thế hệ học sinh trường Đông Hà và người dân Đông Hà sẽ còn nhớ đến bài “Trường em trường cấp ba Đông Hà”[6]cho đến hôm nay. Giai điệu bay bổng từ câu hát, làm nổi bật hơn cho ngôi trường trên ngọn đồi cao ngày nào:
Trường em trường cấp 3 Đông Hà
Đứng giữa đồi cao lớp lớp mái tôn
Những ống thu lôi vươn thẳng trên nền trời cao
Sấm sét bão giông không phá nổi trường em.
(Trường em trường cấp 3 Đông Hà)
Năm học 1975-1976, trường PTTH cấp 3 Quảng Trị được hòa nhập chung trong hệ thống các trường Trung học của tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất và mang tên Trường cấp 3 Đông Hà, đến năm 1982 đổi thành Trường PTTH Đông Hà. Năm 1990 ngồi trường 3 tầng khang trang đưa vào sử dụng, có sức chứa hơn 1.000 học sinh, được xem là ngôi trường đẹp nhất ngành giáo dục Quảng Trị thời bấy giờ. Từ năm 1973 đến năm 1993, trường đào tạo hơn 5.000 học sinh tốt nghiệp 12, đặc biệt có 4 học sinh giỏi quốc gia là Nguyễn Hồng Lợi, Trần Thị Hòa, Nguyễn Quang Thắng, Đào Thị Hoa Sen… (Hoàng Miên, 1993, p. 4).
Năm 1993, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập trường, nhạc sỹ Võ Thế Hùng đã ký âm bài hát đăng trong Đặc san Mầm xanh. Theo nhạc sỹ Võ Thế Hùng, thì không có văn bản nào quyết định, nhưng bài hát tự bản thân nó trở thành bài hát truyền thống của nhà trường (Võ Thế Hùng, 2013:14). Thế hệ thầy trò ban đầu của nhà trường học trong các phòng học “tranh, tre, nứa, lá” đến thầy trò của thế hệ “mái tôn” và hôm nay là thế hệ thầy trò của ngôi trường “xi măng, cốt thép” trên đỉnh đồi cao đầy khang trang và hiện đại. Đối với người học trò trong những giai đoạn đầu này không ai không biết đến thầy giáo Hoàng Đức Vinh, Hoàng Kim Cẩn, Hà Thị Châu (Văn), Lê Đình Chương (Địa lý)…
Trong bài viết của Trương Sỹ Anh: Năm tháng và kỷ niệm cấp 3 Đông Hà thân yêu cho biết thêm các thông tin về niên khoá Năm học 1976 – 1977, trường có hai hệ giáo dục khác nhau, đó là: hệ 10 năm và hệ 12 năm. Hệ 10 năm học theo chương trình giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hệ 12 năm học theo chương trình phổ thông của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chương trình 12 năm được phân chia thành 3 ban, đó là: Ban A (Văn, Sử, Địa); Ban C (Toán, Lý, Hóa) và Ban D (Toán, Hóa, Sinh). Dù phải sống với những khó khăn trong chế độ tem phiếu, thiếu ăn nhưng những người thầy người cô đã vượt qua được những khó khăn, thương yêu, giảng dạy đầy trách nhiệm [Hồ Sỹ Anh, 2013][7].
Năm 1989, đánh dấu cột mốc mới cho thế hệ thầy cô giáo, học sinh chính là việc tái thành lại tỉnh Quảng Trị, nhà trường nhận thêm trọng trách mới trường học điển hình, trường học trọng điểm có qui mô lớn và chất lượng cao. Giai đoạn này các thầy cô giáo mới chuyển về trường cũng ghi những dấu ấn trong lòng học sinh cấp 3 Đông Hà như cô Phan Thị Tĩnh (1989-2000), Thầy Trần Văn Sáu (Vật lý), Nguyễn Thảo Nguyên, Nguyễn Văn Trình (Văn), Nguyễn Thị Châu (Sử), Lê Quang Truy (Triết, GDCD)…
Ngày 15/4/2007, Trường THPT Đông Hà thành lập Tổ cựu giáo chức nhằm mục đích quan tâm, chăm sóc vật chất và tinh thần cho các thầy cô về hưu, đây là một việc làm khá trân trọng của nhà trường.
Hiệu trưởng trường cấp 3 Đông Hà qua các thời kì có: thầy Lê Quang Vãn (1973-1978), thầy Đinh Hữu Trạch (1978-1980)[8], thầy Hoàng Miên (1980-1994), thầy Dương Hùng (1994-2002), ThS. Hoàng Đức Hùng (2002-2013), Cô Trần Thị Cam (2013-nay),…
Lớp Thầy cô kế tiếp cũng chiếm được cảm tình của học sinh như thầy Trương Chí Hiền, Cáp Xuân Tú, Nguyễn Thị Đỗ Quyên, Nguyễn Văn Ninh, Dương Châu Dinh, Đinh Văn Dũng, Võ Thị Cam, Bùi Thị Xuân, Huỳnh Đức Hiệp, Lê Công Quốc, Thảo Nguyên, Lê Đình Ân… Họ chính là những con người làm nên ngôi trường cấp 3 Đông Hà cho đến ngày hôm nay.
Có thể nói trường cấp 3 Đông Hà là một chứng nhận lịch sử của Đông Hà từ thời điểm tái lập lại sau chiến tranh, cung cấp cho tỉnh nguồn nhân lực có tri thức giúp đưa tỉnh Quảng Trị phát triển và hội nhập.
Ngày 3/9/2018, đánh dấu 45 năm thành lập, một chặng đường dài, một chặng đường lịch sử của một ngôi trường, trường THPT Đông Hà.
Bài : Bùi ViệtThành
Ảnh : Võ Minh Hoàn
[1]Thành lập với quyết định số 86/QĐ ngày 17/09/1973 do UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị ra quyết định.
[2]Tên trường thay đổi qua thời gian như: Trường Trung học đệ nhị cấp Quảng Trị (Triệu Lương Đông Hà (17/9/1973), Trường phổ thông cấp3 Đông Hà (9/1975), Trường phổ thông trung học Đông Hà (9/1990), Trường Trung học phổ thông Đông Hà (6/1999 đến nay). Nhưng các thế hệ học sinh Đông Hà vẫn thường gọi tắt là cấp 3 Đông Hà.
[3]Thầy Lê Quang Vãn mất do cứu người hàng xóm bị điện giật(Lê Đình Chương, 1993: 8).
[4]Theo lời kể của thầy Lê Ngọc Minh thì Phan Thị Lương, người con gái Hải Lăng mảnh khảnh có khuôn mặt dài với đôi mắt sắc, kiên nghị mà nét mặt cho dù lúc vui cười vẫn đọng lại nhiều đau khổ trong cuộc đời, nay lại càng đăm chiêu, khắc khổ hơn vì phải lo lắng công việc(Lê Ngọc Minh, 1993: 7)
[5]Có sự tham dự của Ông Lê San – Chủ tịch UBNDCM tỉnh Quảnh Trị, Ông Hồng – Chủ tịch UBNDCM huyện Triệu Phong, ông Nhẫn, Chủ tịch UBNDCM xã Triệu Lương, ông Trinh – Hiệu Trưởng trường Trung học Đệ nhất cấp(Lê Ngọc Minh, 1993: 8)
[6]Do học sinh Nguyễn Hoàng Thái sáng tác, là học sinh khoá 1975-1978.
[7]Bài viết đăng tải trên websiet, link http://www.thpt-dongha-quangtri.edu.vn/bai-viet-342?tab=tab7
[8]Giữ quyền Hiệu trưởng

2 thoughts on “45 năm : Từ Trung học đệ nhị cấp đến THPT Đông Hà

  • Nguyễn Quang Trung

    Tại sao lúc đầu nói chỉ có 4 lớp 11 và 2 lớp 12 còn lớp 10 không có à? trong khi những ngày đầu thành lập trường THĐN cấp QT học nhờ ở Triệu Lương tôi là người học lớp 10 và có tới 4 lớp 10 vì tôi lớp 10 D… sau này với nhiều lí do mà 1974 khóa học (73-76) chỉ còn 3 lớp A,B,C.

    Reply
    • HuyHoang Design

      chào bạn, mình đoán có thể lúc đó thu gom các học sinh còn ở lại của vùng giải phóng, được chừng nào mở chừng ấy.

      Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *