Cà phê với Kiến

Nói không, không dễ!

Một kiến trúc sư đàn anh trong lần ngồi tâm sự nghề nghiệp, có nói rằng: ngoài tuổi 45 rồi, mình chỉ muốn làm sao có thể nói được tiếng “không” với những khách hàng nào, công trình nào mình thấy không hứng thú, không thấy tính chuyên nghiệp, không được sự tôn trọng chuyên môn. Tôi hỏi thêm anh quan niệm thế nào về tính chuyên nghiệp của kiến trúc sư, và từ đó rút ra không ít điều thú vị.

Lần khác, hỏi các bạn kiến trúc sư (KTS) trẻ, cũng thấy khát khao được khẳng định bản thân của các bạn rất cao, ai cũng mong có môi trường hành nghề chuyên nghiệp, được hỗ trợ của các tổ chức nghề nghiệp, được luật pháp bảo vệ. Nhưng hỏi bạn nghĩ sao về vai trò phản biện, tư duy phản biện của người làm kiến trúc, thì các bạn đều… lơ ngơ. Sự việc gần đây là có KTS đã từng không đồng ý giải pháp được chọn xây dựng tòa nhà hành chính ở thành phố Đ. nhưng phương án vẫn được thông qua và giờ đây đang có rất nhiều ý kiến đặt ra về công năng, tiện ích của tòa nhà này thiếu phù hợp, thậm chí người sử dụng kêu ca và muốn chuyển sang chỗ khác…
Nói một tiếng “không” xem ra không dễ, vì vậy bài viết này chỉ xin tập trung vào tính chuyên nghiệp của bản thân người làm nghề, để có thể tiến hành cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp và bài bản cho khách hàng.

Chút “ngọ nguậy” của kiến trúc sư F.O. Gehry ở Dancing House (Prague, Cộng hòa Séc) vẫn tuân thủ chặt chẽ quy hoạch, nương tựa theo nhịp điệu, ngôn ngữ kiến trúc vốn có của toàn khu phố cổ. Một quan niệm thiết kế dung hòa mà vẫn không phai nhạt cá tính của người sáng tạo

 

KTS phản biện ai, ai phản biện KTS? 
Theo Bách khoa Toàn thư Wikipedia: Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lô gíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Còn theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (*), phản biện xã hội là “sự phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân, và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội…”.
Trong các kỳ đại hội của Hội Kiến trúc sư TP.HCM, các báo cáo và đánh giá đều nêu bật vai trò của giới KTS cũng như xác định rằng, đông đảo KTS đã và đang tích cực tham gia phản biện, tư vấn cho các vấn đề phát triển của đô thị. Nhưng dường như đa số mọi người – chuyên môn lẫn bên ngoài giới – đều hiểu công việc phản biện mà KTS tham gia là góp ý cùng với các ban ngành về những điều lớn lao như quy hoạch vùng, bảo tồn di sản… đúng như định nghĩa trong từ điển đã nêu. Góp ý thôi, còn ai nghe thì… chưa rõ. Thế ở chiều ngược lại, ai phản biện chất lượng công việc của chính giới KTS? Nhất là khi KTS ta phải “đấu” với KTS nước ngoài ngay trên sân nhà mình?
Và trong những công việc mang tính dịch vụ thiết kế (cụ thể là làm nhà ở và công trình do chủ đầu tư là tư nhân), KTS có được phản biện lại những áp đặt của cơ quan cấp phép, thẩm định và của chính chủ đầu tư không?
Có thể những câu hỏi vừa nêu đã có đâu đó lời đáp trong Luật Xây dựng, trong các quy định về hành nghề, thậm chí trong dự thảo Luật Kiến trúc sư mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang tích cực thúc đẩy để hình thành. Nhưng dưới góc nhìn của một KTS làm công trình tư nhân ngoài thực tế lâu nay, tôi chỉ xin nêu vài quan sát quanh chuyện KTS có đủ bản lĩnh để phản biện trong khi hành nghề, hay nói một cách đơn giản là có đủ tâm và đủ tầm để… cãi lại một cách đàng hoàng và bài bản trước những áp đặt và thay đổi ảnh hưởng đến sáng tạo kiến trúc của mình hay không.

Phản biện hay bảo vệ mình?
Nhiều người hay quan niệm KTS là “cha đẻ” ra thiết kế nên thường bênh vực thiết kế của mình chằm chặp. Chê thiết kế của người khác thì có vẻ luôn dễ hơn là nêu ra nhược điểm thiết kế của mình, hoặc phản bác lại quan điểm của chủ đầu tư. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi nói về quan niệm thẩm mỹ hay thuyết minh ý tưởng cơ bản, còn quá trình làm việc thì đa số KTS đều mong muốn các bên trao đổi và được phản hồi qua lại. Khác với bao biện hay ngụy biện, khác với việc làm chưa tới nơi tới chốn mà dùng miệng lưỡi lấp liếm, các cấp độ phản biện đúng sẽ gần giống rèn luyện kỹ năng học ngoại ngữ, tức là phải “nghe-nói-đọc-viết” giữa các bên, trao đổi qua lại bằng nhiều hình thức, chứ không phải vừa nghe chủ nhà góp ý là giãy nảy lên, hoặc trả lời theo kiểu… bảo hành tương lai: cứ yên tâm đi, xây lên sẽ đẹp! Như KTS H. có cách phản biện theo kiểu… từ từ mà tốn: anh đề nghị khách hàng liệt kê bằng văn bản những điều họ chưa ưng ý. Anh và nhóm thiết kế cùng xem xét, trả lời trước bằng văn bản, sau đó trao đổi trực tiếp, nói có sách mách có chứng rõ ràng. Bởi thế lúc chụm vào xem bản vẽ thì nhiều ý kiến lung tung, bàn ra tán vô rất nhiều, nhưng khi được chắt lọc lại thì các bên đều bình tĩnh hơn, có trách nhiệm với phát biểu của mình hơn, và thay đổi hay thống nhất gì cũng có lưu lại biên bản để sau này… bút sa gà chết, khỏi cãi nữa!
Phản biện đối với quy hoạch đô thị hay công trình công cộng thường xuất phát từ cái tâm của người sáng tạo, vì lợi ích chung, vì cảnh quan, vì những điều cao xa. Nhưng khi làm nhà ở tư nhân thì không ít người hành nghề lại mang tâm lý rằng mình đang phải làm dịch vụ, rằng cái nhà ấy cũng chỉ bấy nhiêu mét vuông, rằng cả khu cũng đã lộn xộn rồi, biết đâu nhà của mình làm lại khác biệt thì sẽ… nổi bật hơn chăng? Cũng bởi tâm lý công trình nhỏ, tâm lý ”nhà của họ thì họ ở ”nên KTS gần như ít giữ được thiết kế nguyên gốc của mình nếu không muốn va chạm. Cá biệt một số KTS khi gặp hạng mục sửa chữa cải tạo còn phân tích theo kiểu “đập hết đi để xây mới cho khỏe”, khiến gia chủ hiểu lầm rằng KTS muốn khỏi phải đo vẽ hiện trạng, khỏi phải gia cố kết cấu và… dễ tính thiết kế phí hơn!  Nhiều KTS chọn hình thức ”im lặng là vàng”, vì nói nhiều mà không được hiểu, lắm lúc chủ nhà lại nghĩ mình muốn “vẽ vời” gì đó, làm khó gì họ chăng. Khi những dịch vụ công vẫn còn “hành là chính” thì từ người chuyên môn đến gia chủ đều rất mau mệt mỏi, ngại va chạm khi đi xin phép và hoàn công, từ đó ngại luôn việc thay đổi thiết kế dù biết là có lợi, và từ đó, ngại tranh luận, ngại sáng tạo!
Một số khách hàng có hỏi: tôi được phép sửa đổi thiết kế bao nhiêu lần, vì nghe nói công ty X. quy định chỉ được sửa 3 lần, sau đó là tính thêm phí! Tôi trả lời: nếu vài lần mà ổn rồi thì còn sửa làm gì nữa, còn sửa đến n lần mà vẫn không ưng ý thì chỉ tiền mất mà nhà chưa xong. Có lẽ công ty X. nào đó muốn khách hàng phải thực sự nghiêm túc và tôn trọng họ hơn chăng? Âu cũng là một phản ứng tự nhiên để bảo vệ mình, và gián tiếp thúc đẩy quá trình làm việc được thuận lợi hơn.
Thực tế hay xảy ra tình trạng KTS bị “ngược dòng”: nhà thầu xây dựng, đội thợ thường rất hay “nói xấu” bản vẽ vì người thiết kế không có mặt ở công trường thường xuyên để giải thích lập luận và ý tưởng của mình, trong khi thợ thì vốn hay làm theo thói quen hoặc thích “sáng tạo” sao cho dễ làm hơn. Chủ đầu tư lại hay nghĩ: người làm thực tế vẫn hơn người ngồi vẽ, nên tôi phải nghe theo nhà thầu, phải thay đổi cho sát thực tế! Những trường hợp như vậy người thiết kế thường ngậm đắng nuốt cay vì… chính mình cũng không bám sát được để xử lý kịp thời.

Những ngổn ngang phức tạp của quá trình đô thị hóa chưa đồng bộ luôn khiến giới hành nghề kiến trúc đứng trước không ít trăn trở, băn khoăn

Nói không, không dễ!
Những câu chuyên kể trên dẫn đến thực trạng chung là việc từ chối, phản đối lại các yêu cầu quá đáng của chủ đầu tư, nói một tiếng không với những áp đặt phi lý coi bộ khó hơn là im lặng để nhận hợp đồng. Đó là lời than thở của không ít KTS có nhiều va chạm trong hành nghề. Dĩ nhiên với người ”đắt show” thì mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn, nhưng trong bản chất vấn đề, thực ra ngoài tài năng, họ vẫn có những ”uy lực” nhất định không phải để gật đầu mà là để lắc đầu cương quyết, nói như KTS nổi tiếng N.V.T. từng chia sẻ: biết giảm thiểu rủi ro, biết từ chối những công trình mà mình dự báo thất bại thì được xem như thành công rồi!
Phản biện giỏi cũng cần có năng khiếu, mà trớ trêu thay, thường các năng khiếu nói, viết và vẽ đôi khi không song hành nhau, hoặc được ở lúc này mà “mất điện” lúc khác, như phong độ cầu thủ, tùy thuộc cảm hứng và quan hệ giữa các bên nữa. Về mặt giao tiếp, phản biện còn đồng nghĩa với khả năng nói chuyện tay đôi đàng hoàng với kiến thức và năng lực giao tiếp thì mới có thể phản biện, chứ không thì… càng nói càng lòi đuôi yếu kém, hoặc nói theo kiểu cãi cùn! Vì thế, không ít gia chủ hiện nay hay giao việc cho KTS trẻ tuổi để… gia chủ dễ bề ”đàn áp”, vì chỉ cần nói theo kiểu: cái này anh đã đi nhiều nước thấy rồi, có kinh nghiệm rồi, em cứ làm theo đi… là chàng KTS vừa tốt nghiệp chưa ra nước ngoài lần nào khó lòng cãi nổi. Nếu xét về quan điểm nguyên lý thiết kế, hoặc tính toán kết cấu thì KTS và kỹ sư xây dựng còn có cửa tranh luận, nhưng nói đến các vấn đề thuộc về sở thích, gu thẩm mỹ, kiến thức chuyên sâu (ví dụ: dàn âm thanh hi-end, thiết bị sản xuất, tâm linh và phong thủy…)  thì lắm khi KTS trẻ không đủ bề dày kinh nghiệm và kiến thức cần thiết. Một nữ kiến trúc sư trẻ đã phải dùng cách… đưa cho chủ nhà xem bài viết về bố trí phòng nghe nhạc chuẩn để chứng minh rằng kích thước phòng nghe nhạc do cô thiết kế là đúng. Tuy nhiên, cuối cùng gia chủ vốn là một tay chơi hi-end có hạng thì vẫn bảo: lý thuyết nói thế, còn anh thì chủ yếu… canh chỉnh âm thanh theo đôi tai mình thôi! Có thể gia chủ có lý, nhưng xét về tranh luận chuyên môn thì KTS đành ngậm ngùi: nói thế thì… nói làm gì nữa!
Mặt khác, khi chủ đầu tư đã quyết theo kiểu bất cần tiêu chuẩn thì KTS chỉ biết lập lòe đèn đom đóm thôi, bởi tâm lý “đời xây nhà một lần” khiến khách hàng và một số nhà thầu hay đẩy người thiết kế vào tình huống khó xử. Biết là làm cửa gỗ ngoài trời chỉ một thời gian sẽ bị mưa nắng bạc phếch nhưng mà gia chủ nói “có người quen mua được gỗ tốt mà rẻ ” thì cũng đành im lặng nhìn họ… phá rừng thôi chứ sao! Việc thay đổi dù tốt hơn hay xấu đi cho nhà ở thường được những gia chủ có kinh nghiệm “lấn lướt ” theo kiểu mưa dầm thấm lâu, mỗi thứ mỗi ngày một chút nên KTS ít thấy được tác hại, đến khi làm xong hay có sự cố gì cần xử lý đến xem thì mới ngã ngửa: đứa con tinh thần của mình giờ trông biến dạng khó nhận ra!
Một số KTS đi du học về, tiếp xúc với quy trình làm việc chuyên nghiệp của nước ngoài đã chọn cách phản biện bằng luật và hợp đồng, khỏi nói nhiều! Nhưng theo các KTS đang làm cho các công ty liên doanh thì hiện nay, đa số công ty thiết kế nước ngoài khi vào Việt Nam tham gia thiết kế cũng ”nhập gia tùy tục” rất khéo, họ còn rành rẽ và… ranh mãnh hơn cả công ty trong nước về mấy khoản vận động hành lang, chọc gậy bánh xe, đi ngang về tắt, thương đội hạ đạp… để giành giật hợp đồng. Nói một cách đơn giản là nhiều lúc giới KTS Việt ta thua ngay trên sân nhà dù năng lực chuyên môn không hề yếu kém, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là thiếu tiếng nói đúng mức, đúng lúc.

Tiếng nói gì, tiếng nói của ai? 
Xin thưa, của hội nghề nghiệp, của luật hành nghề kiến trúc, của lương tâm và kiến thức mỗi người, mà những ai hành nghề đều ít nhiều hiểu nhưng chưa bật ra đồng điệu, dõng dạc và xác đáng.  Nhất là thiếu một cơ chế đủ và đúng để mọi người lắng nghe giới KTS nói, thiếu các hỗ trợ chuyên môn và đồng cảm xã hội để một tiếng nói không của KTS không phải mang tiếng là ”chảnh”, là sự phản đối cá nhân, mà là một bước cần khẳng định trên con đường hành nghề và sáng tạo luôn nhiều cam go và thử thách.
(*) Do NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học phát hành năm 2000.

Tác giả : KTS. Tuấn Hà (theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *