Xưa & Nay

Nhìn Đông Hà từ một con đường…

Nhà nghiên cứu Đặng Phong, trong một bài viết  của mình, đã “cắt lớp” Hà Nội bằng con đường Lê Duẩn mang đầy lịch sử. Đông Hà vừa từ “thị xã”  lên “ thành phố” mới chỉ mới mấy tháng, lịch sử không thể dài như Hà Nội nghìn năm, nhưng nếu ta thử dừng lại và lắng nghe, chầm chậm thôi,  sẽ hiểu hơn về một vùng đất mà ta đang sống. Nào! Hãy chọn con đường Hùng Vương, rồi men theo nó cả không gian và thời gian, thử xem, ta sẽ  thấy gì…

 

            Ảnh : Đường Hùng Vương ngày nay

Có thể nói, bộ mặt của các thành phố bắt nguồn từ những con đường, tùy thuộc từng thành phố mà các con đường cũng mang quy mô, dáng vẻ khác nhau. Thành phố nhỏ, cổ kính thì con đường cũng vì thế mà nhỏ nhắn, xinh xắn. Thành phố lớn, hiện đại thì đường sá thẳng băng, người xe nườm nượp. Với thành phố mà tôi đang sống – Đông Hà – cũng có những con đường của riêng mình, thẳng tắp như đường Lê Duẩn, đường 9; quanh co như đường Trần Hưng Đạo hay duyên dáng với đường Hoàng Diệu, vậy tại sao lại là đường Hùng Vương? Tôi muốn chọn con đường này vì nó chạy xuyên suốt thành phố, được mở rộng và xây dựng sau thời gian lập lại tỉnh. Như một cuốn nhật ký, nó ghi chép và lưu giữ bao câu chuyện của thành phố này.

Với chiều dài gần 3 km, con đường chia làm ba đoạn, giao nhau với  ba nhánh của quốc lộ 9. Đoạn đường từ tòa nhà Bưu điện thành phố đến Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, được xây dựng và hình thành từ những ngày đầu, khi còn là con đường đất đầy bụi đỏ. Trong những bức ảnh đen trắng chụp năm 1972 của nhà nhiếp ảnh Đoàn  Công Tính, trên những ngôi nhà lúp xúp mái tôn, trên những hầm hào hố bom của một thời chiến tranh khốc liệt, còn lại một cái lô cốt sừng sững, án ngữ trên trên dốc cao, chiếm cả một khoảng không gian rộng lớn. Từ đây, có thể hướng tầm mắt về phía Đông hay sang bên kia sông Hiếu. Giờ công trình lịch sử ấy đã không còn. Vì một nguyên nhân nào đó, cái lô cốt được tháo dỡ, như một cái kết muôn thuở của câu chuyện khắc phục chiến tranh. Vị trí của cái lô cốt ngày xưa chính là bùng binh trước tòa nhà Bưu điện thành phố bây giờ, một thể loại đảo giao thông mang tính nhân bản, rập khuôn mà thành phố nào cũng có. Hai chiếc xe tăng còn lại thời chiến tranh, có thời gian để ở góc đường, nay cũng được quy hoạch vào một góc, nơi đã từng là quán cà phê LyNa chuyên chiếu phim chưởng Tàu.

Rất nhiều quán cà phê  mang trong mình văn hóa, lịch sử và cuộc sống của thành phố ấy. Cà phê Bệt, cà phê Hồ Con Rùa ở Sài Gòn; Hà Nội thì có cà phê Nhân, cà phê Nhà Thờ ,…Còn Đông Hà thì sao? Tôi muốn ngồi nơi đã từng là quán cà phê LyNa một thời gắn bó, bên chiếc xe tăng  chứng nhân lịch sử của miền đất bom đạn. Trên vết gỉ rét trầm tích thời gian kia là câu chuyện đời đất, đời dân của một Đông Hà bi tráng ngày qua. Ngồi ở đó , làm một ly cà phê cóc, đen đá, đậm đà  và  khoe với bạn bè ở xa khi đến đây. Hình ảnh những chiếc xe tăng ấy là  một cái “view”  rất đặc trưng Đông Hà, đặc trưng Quảng Trị. Ngồi  cạnh quá khứ, nhìn về tòa nhà lấp lánh ánh kim của Ngân hàng Sacombank mà bàn chuyện làm ăn, hàn huyên những câu chuyện cũ trên mảnh đất chưa bao giờ cũ.

Cứ tiếp tục bước đi trên 800 mét đầu tiên ấy, rất nhiều công sở, nhà ở, quán xá, đã được xây dựng, trung tâm hành chính của tỉnh cũng nằm ở khu vực này. Nhiều công trình được cải tạo nhắc chúng ta về một thời gian khó, gom góp để xây dựng, để có nơi làm việc, công trình đơn giản chỉ là công năng mà chưa chú ý nhiều thẩm mỹ, đẹp hay xấu. Đoạn đường 20 năm tuổi nhưng vỉa hè thì chỉ có tuổi đời 2 năm. Có một giai thoại thỉnh thoảng vẫn được kể lại, lúc làm đoạn đường này xong, vỉa hè được chỉ định là trồng phượng vĩ, nhưng bản vẽ thiết kế chỉ ghi là cây phượng, mà đó cũng lại là tên gọi khác của cây điệp. Không biết sự nhầm lần từ phượng đỏ sang phượng vàng này có đúng hay không, chỉ biết là bây giờ, mỗi khi chớm hè, hai hàng điệp lại nở vàng, lộng lẫy.

Một thời gian dài, vấn đề quy hoạch đô thị chưa được chú ý một cách đầy đủ, phía nam nhà văn hóa trung tâm (mọi người thường gọi là nhà hát lớn), là một không gian gần như tách biệt. Như một nỗ lực hướng về Nam, sự mở rộng cho cơ thể đô thị đang trên đường phát triển, đường Hùng Vương giai đoạn hai được thi công xây dựng, nhấp nhô uốn lượn qua những quả đồi đất đỏ bazan đầy lau và cây bụi. Với quy mô gần 1000 chỗ ngồi, Nhà văn hóa Trung tâm lúc đó là một công trình lớn, có đường nét kiến trúc mộc mạc, đơn giản, dễ hiểu, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, nơi sinh hoạt, tìm hiểu của biết bao người về những món ăn tinh thần không thể thiếu. Giờ đây, công trình một thời tưởng như không thể thay thế ấy cũng phải hy sinh, nhường chỗ cho một Nhà văn hóa Trung tâm mới bề thế hơn! Đường đã mở, hai nửa đường Hùng Vương đã nối lại, như quá khứ nối hiện tại, mở cho tương lai thành phố một hướng đi.

Đi mãi rồi cũng đến đoạn cuối của con đường. Khu đô thị mới Nam Đông Hà với không gian mở rộng, thoáng đãng nhưng cũng đầy những hoài nghi. Lá phổi xanh của thành phố, rừng cọ dầu quý giá, ngày càng bị thu hẹp diện tích một cách xót xa. Thay vào đó  là những ngôi nhà chia lô với nhiều phong cách, các nhà máy công nghiệp ô nhiễm môi trường,…bên những con đường hình ô bàn cờ chưa hoàn thiện. Như cậu bé dậy thì, một hôm bỗng hoảng hốt với bao nhiêu câu hỏi về cơ thể mình, thành phố cũng vậy, hoang mang trên con đường phát triển, quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng,.. Phát triển sang bên kia sông, ôm dòng sông Hiếu vào lòng hay vẫn hướng về nam, nơi có quỹ đất cao, phù hợp với biến đổi khí hậu? Trước khi có những câu trả lời, thành phố vẫn phát triển tự nhiên và tự phát, như một sự tự bằng lòng.

Tết đến! Một năm nữa qua đi. Người dân thành phố Hồ Chí Minh lại dạo chơi trên đường hoa Nguyễn Huệ, một hình ảnh từ lâu là thương hiệu của thành phố phương Nam này. Hay tay trong tay với người mình yêu dạo quanh đường hoa quanh hồ Gươm Hà Nội, lắng nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước trong thời khắc giao thừa. Những con đường đó, những hình ảnh đó, đã đi vào thơ vào nhạc. Năm mới, đi trên  con đường Hùng Vương của thành phố mình và cứ mơ đi. Một ngày nào đó, Hùng Vương xuyên suốt chiều thành phố Đông Hà sẽ là con đường hoa rực rỡ ngày xuân, đẹp long lanh đâu thua gì đường hoa của hai thành phố hai đầu đất nước. Vâng giấc mơ ấy cũng đâu có gì quá lớn, phải vậy không?

KTS. HỒ HUY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *