Xưa & Nay

Bến xe Đông Hà.

Đông Hà phát triển nhanh nhờ vào vị trí ngã ba – nơi gặp nhau – của Quốc Lộ 1 và Quốc Lộ 9. Quốc Lộ 1 thông thương Bắc Nam và Quốc Lộ 9 thông thương lên Lào. Việc vận tải, đặc biệt hàng hóa, bắt đầu nhộn nhịp vào những năm 1930 – khi có ga xe lửa. Ngoài vận tải đường sắt, vận tải đường bộ phát triển nhanh. Và khi số lượng xe cộ tương đối nhiều, cộng đồng đã lập bến xe.

10309491_10203064186277008_7522345140329177414_nBến xe Đông Hà cũ (nay là siêu thị Co.op Mart)

Bến xe đầu tiên của Đông Hà là một khoảnh đất rộng độ một mẫu (5.000 mét vuông) thuộc địa phận làng Tây Trì, bây giờ là siêu thị Co.opMart. Phía nam là đường Trần Hưng Đạo; phía bắc là đền Âm Hồn; phía tây là đường Phan Bội Châu; phía đông là đường Phan Châu Trinh. Ở mặt nam – cửa xe vô ra bến xe, có một hàng phượng vỹ, cây không lớn lắm, về mùa hè, nở hoa rực đỏ. Đối diện với bến xe, ngày xưa là đồn lính Khố Xanh rồi trụ sở bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 2 – Sư Đoàn 1 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Bây giờ là UBND thành phố Đông Hà. Trong những thập kỷ 1950, 1960, phía ngoài doanh trại quân đội, có một thềm đất cao, nơi đây thường dựng sân khấu mỗi khi có trình diễn văn nghệ; khán giả ngồi la liệt giữa bến xe nhìn lên.

10253843_10203064194757220_3596822638059807347_nDoanh trại quân đội nằm đối diện bến xe Đông Hà (1967). (Nay là Trụ sở UBND Tp Đông Hà)

Ở mặt bắc, phần bên tây là đền Âm Hồn, có một vài cây cổ thụ tỏa bóng, gần đó, có một giếng nước lớn, mạch nước rất mạnh, phun nước đủ cho dân cư lân cận gánh về dùng thoải mái; trong thời chiến tranh Việt – Pháp (1946 – 1954), quân đội Pháp lập gần giếng một nghĩa địa chôn những lính Pháp tử trận; số mồ mả này, khi quân đội Pháp rút về theo hiệp định Genève, đã được cất bốc đem theo. Giếng nằm bên nghĩa địa, có phải vì thế mà nước có mùi tanh tanh không !!! Ngay cả sau này không còn nghĩa địa, mùi tanh vẫn còn, có lẽ do nước thải của cư dân đã dày mật độ từ trên mặt đất ngấm xuống. Theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt bây giờ, chắc không ai dám dùng nước đó; vậy mà vào thời đó, vẫn dùng vì không dùng nước đó thì lấy nước đâu! Tiếp sát đền Âm Hồn đi về mạn đông là một dãy hàng quán đơn sơ bán cho hành khách những nhu yếu phẩm khi xuống xe hay khi chờ lên xe. Bên kia đường ở mạn tây và mạn đông bến xe, là hai dãy nhà ở; tất cả là nhà trệt, tường xây hay trét phên, mái đa số lợp tôn, chỉ vài ba cái lợp ngói. Một điều khác với bây giờ là dù nhà ở gần bến xe mà không nhà nào dọn hàng mua bán! Không biết vì sao? Ít khách? Người ở không có máu kinh doanh hay đã có nghề nghiệp khác mưu sinh?

10410140_10203064204037452_2311322417698521164_nNgã ba giao nhau QL1 Và QL9 (nay là bảng hiệu điện tử đối diện chợ Đông Hà)

Bến xe này lập khi nào người viết bài này không biết. Nhưng hình như từ khi chiến tranh Việt – Pháp (1946 – 1954) nổ ra, tất cả hãng xe chạy đường lên Lào ngưng hoạt động vì tình hình an ninh. Trong bến xe, chỉ còn xe hàng chạy các tuyến đường Đông Hà – Quảng Trị, Đông Hà – Cam Lộ, Đông Hà – Gio Linh …, trong đó số xe chạy tuyến đường Đông Hà – Quảng Trị là đông hơn hết; ngoài ra, hãng xe Hoàng Đồng Tịnh ở Huế có 1 xe chạy tuyến Huế – Đông Hà; xe Hoàng Đồng Tịnh từ Huế đến bến xe Đông Hà khoảng 11 giờ và khởi hành từ Đông Hà lúc 14 giờ để trở lại Huế.

Đi xe đò thời ấy, hành khách phải chen nhau ngồi trên ghế băng cứng, không có ghế nệm; xe nào trông bề ngoài cũng xệch xạc không được bóng láng như xe bây giờ.

10407503_10203064208157555_4452975283368066094_nChùa Đông Hà 1969 (không khác bây giờ là mấy)

Người viết bài này, do học hành và công việc, thường đi tuyến Đông Hà – Quảng Trị và tuyến Đông Hà – Huế, xin cung cấp giá tiền xe để độc giả lớp trẻ biết cho vui. Đi Đông Hà – Quảng Trị hay ngược lại, hành khách phải trả 10$, đi suốt Đông Hà – Huế hay ngược lại, hành khách phải trả 25$, còn không đi xe suốt mà đi vào Quảng Trị thì mất 10$ rồi lên xe Quảng Trị – Huế trả thêm 20$, thế là tốn 30$. Một vài giá cả để quy chiếu: gạo 10$ 6 loon (khoảng 1,5 kg), bia 10$ 1 chai bia con cọp 2/3 lít …

 

Sau khi thống nhất đất nước, bến xe dời về phía nam trên Quốc Lộ 1 cách bến xe cũ khoảng 500 m, thuộc địa phận làng Điếu Ngao, khu đất mà hiện  đang thi công khách sạn Mường Thanh, cách Khách Sạn – Nhà Hàng Mekong chỉ một con đường – đường Nguyễn Trãi. Cách đây mấy năm, bến xe dời một lần nữa cũng về phía nam đến khu nghĩa địa của làng Lập Thạch cách bến xe thứ 2 khoảng 1 km.

 

 

“Vật đổi sao dời”, người viết bài này chỉ mong những người đi xa lần đầu trở về khỏi ngạc nhiên và những người ở gần có dịp bỏ ra vài giây hoài niệm cảnh cũ người xưa./.

Tác giả : Lão gàn Hoàng Đằng .  Ảnh tổng hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *