Xưa & Nay

Hói Sòng – chuyện xưa kể lại (phần cuối)

HÓI SÒNG – CHUYỆN XƯA KỂ LẠI ( tiếp theo và hết). Tác giả : Nguyễn Dũng.

………………….

Làng nghề PHỔ LẠI
Nghề làm giấy làng Phổ Lại xuất phát từ các gia đình họ Dương, họ Đào ở Tuy An (Thuộc Phổ Lại) đem từ Tuy Đợi-Quảng Bình vào. Bà con Phổ lại thấy nghề giấy phát triển do nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ mạnh, chủ yếu ở chợ Sòng và một số nơi trong vùng, dụng cụ sản xuất cũng đơn giản nên các gia đình khác bỏ nghề nông chuyển sang làm giấy, từ đó thành làng nghề truyền thống, gọi là “Phường Giấy”.
Thợ làm giấy Phổ Lại vào tận Sịa, Sình để truyền nghề.
Nghề làm giấy đang thịnh hành thì cuộc kháng chiến nổ ra, nguyên liệu khó khăn, hơn nữa giấy của Tây mang sang, giấy ta không cạnh tranh nổi nên nghề giấy dần mai một.
Lịch sử nghề làm giấy Phổ Lại tồn tại hàng trăm năm. Giấy Phổ lại có thể bảo quản lâu dài, hiện tại có nhiều quyển sách củ, hoặc gia phả làm bằng giấy Phổ Lại vẫn còn rất tốt, trong lúc giấy Tây rất mau mục nát do quá trình sản xuất ngâm tẩy bằng hóa chất.

Làng HOÀN THỊNH
Dưới làng Phổ Lại giáp với làng Nghĩa An có một ngôi làng dân cư ở hai bên hói gọi là làng Hoàn Thịnh chuyên làm nghề vận tải hàng hóa thuê phục vụ buôn bán cho chợ Sòng cùng với vạn đò Trọng Đức ở Đại Độ, khi chợ Sòng tan rã thì ngôi làng này cũng phân tán, mỗi gia đình đi làm ăn mỗi nơi (Tong Phủ Biên Tạp Lục có ghi là làng An Thịnh).
Có làng cũng có chung số phận cùng Hoàn Thịnh, như làng Trung Hác ở gần làng Trúc Sơn (Nay là hồ chứa nước Trúc Kinh), dân làng chủ yếu sống bằng nghề cắt tranh, than củi, săn bắt, hái lượm…đem tiêu thụ ở chợ Sòng. Sau khi chợ tan rã, không có thị trường tiêu thụ, hơn nữa bom đạn chiến tranh nên dân cư bỏ làng đi hết.

 

                     Đình làng Kim Đâu ngày nay.

 

PHỔ LẠI PHƯỜNG:
Sự ra đời của Phổ Lại Phường là một hiện tượng đặc biệt của một làng nghề “văn hóa” cỗ truyền ở địa phương, đây là phường cư dân phi nông nghiệp được hình thành do nhu cầu của những người thợ ở sát cạnh chợ Sòng, đồng thời cũng là do nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân.
Họ Tống từ An Cựu (Huế) đem nghề hàng mã ra tạo nên “Phường mã”. Sản phẩm của họ có làm sẳn để bán ở chợ, hoặc làm theo đơn đặt hàng.
Tiếp đó một số cư dân cũng gốc ở Huế chuyên nghề ca hát cùng về sinh sống ở đây, nhưng bộ phận này sống phiêu bạt, bấp bênh thành phường hát chuyên đi hát dạo hoặc hát theo yêu cầu.
Hậu duệ của họ Tống vẫn còn giữ được nghề truyền thống, nhưng phần đông lập nghiệp ở Đông Hà, ở Phổ Lại Phường hiện chỉ có một hộ.
Nếu như hói Sòng là một sợi dây thì tất cả các làng nghề thủ công vệ tinh của chợ Sòng đều được xâu chuỗi trong sợi dây đó (Các làng này đếu có đoạn hói là đường biên ) và cùng chung một số phận với chợ Sòng, không biết đây là sự sắp đặt hay ngẩu nhiên hoặc là do duyên phận, may mắn thay là vẫn còn một làng nghề bún Cẩm Thạch để duy trì cái thương hiệu “Sòng” cho đời sau còn nhớ đến chợ Sòng một thời lừng danh, chỉ tội nghiệp cho con hói Sòng- con sông nhỏ của tôi. Từ ngày chia ly, phải sống trong cô đơn, thầm lặng.
Đến bây giờ thì còn đâu dòng sông của tôi ngày hai lượt con nước lên về. cá, tôm, cua, ốc, hến, các loài thủy sinh nước lợ, nước ngọt, thuyền chài qua lại suốt ngày gõ long tong nghe sinh động cả dòng sông. Còn đâu dòng nước trong xanh lững lờ trôi hiền hòa mang theo bóng mây trời.
Ngày nay hói Sòng vẫn tồn tại đó, nhưng con sông nhỏ của tôi đã chết từ cái ngày người ta ngăn chia tình mẫu tử của nó để tạo nó thành một hồ nước tù đọng. Ngày trước đi từ Phi Thừa lên xóm Chợ có một biền cây lác dài thẳng tắp theo bờ sông,(nên gọi là xóm Biền) ngoài kia là dòng nước, thuyền đò xuôi ngược. Bây giờ hói mỗi ngày mỗi hẹp dần, lở, bồi biến dạng, cái biền lác không còn nữa, hai bên bờ và giữa hói mọc lên những cồn cây mai dương gai góc thay cho những lùm hoa giêng giếng vàng rực, hương dìu dịu, mặt nước kín những bèo tây, rau muống dại. Bến xưa vẫn còn đó nhưng chẳng ai buồn đặt chân đến để thấy cái màu nước nhờ nhợ, nhúng chân vào là ngứa ngáy suốt ngày. Tôm, cá cũng chỉ còn mấy con cá rô phi, tôm đất, một phần do hóa chất từ đồng ruộng đổ về, một phần do người ta đánh bắt bằng các phương tiện hủy diệt, đến một con đỉa cũng chẳng có.
Hói Sòng bây giờ như một cụ già cô đơn, bệnh tật khốn khổ.
Ngày xưa tôi đã hòa nhập tâm hồn mình vào dòng sông yêu dấu, vô tình thành một lời nguyền, vì thế mà cả hai chúng tôi cùng chung một mệnh số chăng?. Tôi vẫn tin mọi thứ đều do tạo hóa sắp đặt như suy ngẫm của cụ Nguyễn Du:
… “Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”…
Cho nên trong mọi hoàn cảnh tôi chẳng bao giờ oán Trời, chẳng hận đời, và cũng chẳng trách người, chỉ buồn cho sồ phận chúng tôi phải sinh ra dưới ngôi sao xấu. Tôi ước mơ một ngày nào đó tất cả ruộng đồng của Thành phố đều biến thành phố xá, nhà máy, sân bay… để hói Sòng không làm ông già thủy nông, lúc đó người ta sẽ khơi nguồn, nối lại tình mẫu tử cho Hói Sòng để dòng sông nhỏ của tôi được sống động như ngày xưa, nhưng e rằng đó cũng chỉ là chuyện cổ tích dưới đường điện cao thế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *