Cà phê với Kiến

Kiến trúc sư về quê nuôi dê.

Sau khi tốt nghiệp Khoa thiết kế đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Hữu Giáp (sinh năm 1988) ở thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) không chọn công việc ở các công ty thiết kế xây dựng mà trở về quê lập nghiệp.

Năm 2014, tình cờ xem một chương trình khuyến nông trên ti vi, anh Giáp biết được mô hình nuôi dê nhốt chuồng của nhiều người dân ở các địa phương khác đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhận thấy mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, anh Giáp quyết định triển khai mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Để nắm vững kiến thức chăn nuôi, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê do Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư tổ chức. Ngoài ra anh còn nghiên cứu, tìm tòi, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê qua sách báo. Sau khi nắm vững kiến thức, anh Giáp vay mượn từ người thân 20 triệu đồng để mua 6 con dê giống về nuôi. Sau gần 2 năm chăm sóc, dê đã sinh ra những chú dê con đầu tiên. Phương châm của anh Giáp là “dê cái thì để nuôi nhằm tăng đàn, dê đực bán thịt để lấy tiền đầu tư tiếp”. Cứ xoay vòng như vậy, đến nay số lượng đàn dê của gia đình đã tăng lên 37 con. Anh Giáp cho biết, dê là con vật dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, chuồng trại, chăn thả đơn giản, phù hợp với những hộ ít vốn. Chỉ cần được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu, chịu khó, người dân có thể nuôi tốt đàn dê của mình.

Theo anh Giáp, để nuôi dê đạt hiệu quả, ngoài kinh nghiệm, người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì là loại động vật không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại cho dê cần phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Khi làm chuồng, tùy theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp. Trước chuồng nuôi cần có khoảng sân rộng để có thể theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như thuận lợi khi bắt dê kiểm tra, tiến hành phối giống, cho ăn và phòng trị bệnh. Nhưng quan trọng hơn cả là tránh cho dê giao phối cận huyết để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống. Anh Giáp cho hay, 1 con dê cái một lứa có thể đẻ được 4 dê con, nên đã giúp anh giải quyết vấn đề về con giống, giảm thiểu chi phí đầu tư.

Khi điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện, anh Giáp còn vay vốn từ ngân hàng chính sách để xây dựng một trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, trang trại đang dần được hoàn thiện, anh đã thả nuôi 34 con lợn rừng, 500 con ngan, 120 con ngỗng và dự định nuôi thêm 50 lợn nái. Trang trại chăn nuôi tổng hợp đang xây dựng hứa hẹn sẽ cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Giáp cho biết, đang dự định đầu tư vốn, phát triển đàn dê với số lượng lớn hơn. Anh cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê đến bà con nông dân muốn phát triển kinh tế theo hướng này. “Chính mô hình nuôi dê nhốt chuồng đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang, từng bước ổn định cuộc sống” anh Giáp phấn khởi chia sẻ.

Bài, ảnh: NGỌC DŨNG (baoquangtri.vthiets

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *