Cà phê với Kiến

Phụ nữ thì ngồi ở đâu?

Đang mùa World Cup, con trai chị ranh mãnh trả lời, phụ nữ thì ngồi gần anh Tạ Biên Cương!
Câu chuyện đang nóng sốt kể từ ngày khởi đấu vòng chung kết bóng đá lớn nhất hành tinh. Họ, những cô gái đẹp nóng bỏng, kể từ hôm khai mạc, đã luôn luôn ngồi nhoẻn miệng cười làm duyên phía sau các “anh giai” dẫn chuyện.
Chị là một phụ nữ bình thường, chị hiểu bóng đá theo cách sơ đẳng nhất, nhưng vì muốn đồng hành cùng gia đình nên chị đã ngồi đó, phía trước màn hình theo dõi trái bóng lăn, nghe con và bố nó hô hào cổ võ cho đội bóng mà họ yêu thích. Cứ bốn năm một lần, gia đình có xáo trộn chút ít vì thức khuya dán mắt vào tivi, nhưng điều đó với chị là cơ hội. Cơ hội để bố con nó gần nhau, cơ hội để chị chăm sóc (một cách dễ dàng bằng tô mì gói chẳng hạn) nhưng luôn nhận lại sự mang ơn (vì thức khuya luôn đói bụng đó mà). Năm nay cũng vậy, ba trận đấu một đêm, “coi đã đời luôn”. Tuy nhiên, mùa này, khi đến phần bình luận, lúc các “hot girl” ậm ừ ì à ì ạch mới “xếp chữ” ra được một câu, thì bố con hắn cười hềnh hệch.
Nhìn cảnh bố con hắn cười, chị thấy trước hết, các cô gái ấy hình như đang được dùng để giải khuây cho không khí hừng hực của trận bóng dịu lại. Thội kệ họ, chị đứng dậy đi nấu món gì đó để cả nhà cùng ăn trong lúc chờ hiệp 2 bắt đầu. Rồi thấy trận bóng không có gì hấp dẫn, chị vẫn nằm đó với chồng, nhưng mở báo mạng ra xem, tràn ngập tin bài về bóng đá. Đập vào mắt cái title: Ngắm nhìn nhan sắc hot girl ABC trong trang phục của đội tuyển XYZ. Chị bấm vào xem, quần sát tới bẹn, áo hở gần như áo tắm. Hai “trái bóng” thì căng tròn… Thằng con cũng hình như vừa nói tới chữ “hai trái bóng căng tròn”. Chị liếc mắt nhìn vào tivi. Quả thật là căng tròn! Cô gái ấy đang vận hết trí não để diễn đạt ý nghĩ trong đầu. Ý không biết có không, nhưng nhìn cô “rặn chữ” thấy thật thảm hại, đáng thương. Cứ như thể hôm trước ham chơi không học bài, mà lại bị cô giáo gọi lên trả bài. Anh MC chuyên nghiệp liên tục đỡ lời. Anh nói thêm tám câu nữa, rồi quay sang hỏi cô gái câu hỏi dạng Yes/No question. Cô vâng một tiếng ngọt lịm, ngoan hiền. Anh MC tiếp tục 48 câu nữa thì chương trình kết thúc.
                                                     Minh họa : Leftstudio
Chuyện gì đang xảy ra thế. Chị đã ngồi, nằm cùng chồng con khi trái bóng lăn không phải vì điều gì khác, ngoài tình yêu và ước muốn song hành cùng họ. Còn những cô gái kia, họ đang ngồi đó vì điều gì?
Đang có tranh cãi chuyện cái cô gái đẹp ấy có nên xuất hiện trên tivi hay không, báo Tuổi Trẻ online còn làm hẳn một cái bảng thăm dò. Kết quả có lượt chọn cao nhất là ý kiến: Không nên mời các cô gái chỉ để gây chú ý. Chị cười cái khì nói với chồng, không phải em ganh tỵ sắc đẹp đâu nhen, rõ ràng là nhiều người có cùng suy nghĩ với vợ!
Tuy nhiên, đó không phải là một câu chuyện đùa. Có thể VTV nghĩ rằng, bố trí các cô gái đẹp ấy vào chương trình có nhiều người quan tâm, cho các cô ấy nói lên suy nghĩ của mình thì đó là một sự tôn trọng. Tôn trọng phụ nữ nói chung. Thực tế đang diễn ra ngược lại. Hiểu biết non kém, thiếu hụt về bóng đá, khả năng hoạt ngôn không có, thậm chí là ngô nghê, thần thái hoang mang vì lo lắng trên khuôn mặt được trang điểm đẹp… tất cả, đã biến các cô gái ấy thành trò hề.
Mới hơn tuần World Cup diễn ra, khán giả đã bắt đầu ngán ngẫm: Không biết bao giờ VTV mới chấm dứt trò hề này!
Từ chuyện tưởng là tôn vinh, VTV đang coi thường phụ nữ theo cách “sang trọng và quý phái” nhất. Bởi vì phụ nữ không phải là để giải khuây, cười đùa hay rửa mắt. Vì phụ nữ không phải là công cụ để phái kia cảm thấy hưng phấn. VTV có lẽ nên cân nhắc có nên tiếp tục chương trình bình luận có hot girl tham gia nữa hay không.
Riêng phần các cô gái, kể cả gia đình của họ, có lẽ cũng phải suy nghĩ lại về cơ hội xuất hiện trên tivi như thế này. Trừ khi bị lọt vào những tổ chức buôn người hay đại loại như thế, phụ nữ không thể làm chủ cuộc đời, số phận thậm chí là cơ thể mình. Thì trong trường hợp này, họ có quyền lựa chọn. Họ có thể vô danh nhưng phẩm giá vẹn toàn, không ai có thể cười cợt họ cả. Hoặc, lựa chọn xuất hiện, và chấp nhận biến mình thành công cụ. Nhan sắc, từ một lợi thế (để các cô được VTV lựa chọn) lại trở thành một nhãn dán, biến các cô thành một bình hoa rửa mắt giải khuây. Tiếc rằng, để nhận ra được điều này, để xác định được lằn ranh mỏng manh giữ tôn trọng và coi thường là việc không dễ dàng. Lằn ranh ấy, đang bị quá nhiều thứ phù du ảo diệu che lấp.
Phụ nữ thì ngồi ở đâu, đó là lựa chọn. Họ có thể ngồi trong bếp để nấu ăn khuya cho chồng con, họ có thể ngồi trong phòng ngủ để đọc sách. Họ có thể mua vé vào tận sân bóng để xem để hò hét khản cổ trong niềm phấn khích. Họ có thể vô can, tách biệt với túc cầu giáo để sống cuộc đời riêng không kém phần thú vị của mình. Nhưng phụ nữ, lựa chọn nào cũng nên hình dung trước, ta có được tôn trọng khi xuất hiện trong vai trò, vị trí ấy hay không.
Phụ nữ thì ngồi ở đâu, câu hỏi dường như hãy còn nhiều mông lung.
Trương Gia Hòa (theo tạp chí kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *