Xưa & Nay

Rượu Kim Long – từ huyền thoại đến sự thật

 1. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, từ rất xưa. Ngọc Hoàng rất yêu quý hoàng tử út, tên chữ là Kim Long. Chàng nổi tiếng hiếu thảo lại giỏi giang công việc, không tửu sắc vô độ như các đàn anh sớm hưởng lạc kiểu con nhà quyền quý mà luôn nuôi chí hướng xuống trần giúp dân chăn nuôi, trồng trọt, tạo dựng an vui hạnh phúc cho mọi người. Biết ý và muốn chàng trưởng thành qua thử thách, Ngọc Hoàng chọn ngày lành tháng tốt sai làm lễ tiệc tiễn chàng hạ giới.

    Sẵn phép thần thông, chẳng mấy chốc chàng đã đặt chân lên cái xứ sở gọi là hành tinh xanh. Xung quanh chàng trăm hoa đua nở, bướm lượn chập chờn. Nhưng quái lạ, con người ẩn nhẫn ở đâu mà tẻ ngắt thế này? Tại sao họ không hoà nhập vào vũ điệu bất tử của thiên nhiên, trời đất? Những hoài nghi, thắc mắc trong lòng buộc chàng phải cất công tìm hiểu. Hoá ra là mấy năm liền khổ nạn, mất mùa thất bát. Bây giờ thiên thời địa lợi, có cái ăn cái để nhưng nhân tính bất hoà. Trằn trọc trắng đêm, vắt óc suy nghĩ, tìm kiếm cái bí quyết đặng thổi dậy ngọn lửa lòng tro lạnh. Chàng nhớ lại những đêm hội trên thiên đình, người ta chúc nhau bằng những chén rượu Tiên lữ ấm nồng da thịt quyện hoà trong lời ca tiếng hát cùng bao nhiêu vũ công thướt tha cháy bỏng làm nên ánh sáng xuân sắc của kinh thành. Phải rồi, chất men ấy tạo ra nhịp cầu giao cảm, sướng khổ có nhau, vui buồn chia sẻ, ta chân truyền cho họ mới được. Thế là thức uống nồng say kia lần đầu có mặt ở trần gian. Nó trong như nước lọc, sủi tăm, uống vào tê mê đầu lưỡi. Uống 5, 3 chén hột mít đã thấy lâng lâng, tâm can sảng khoái, thành thật trao vui cởi buồn. Ghi nhớ công lao, người ta lấy tên chàng đặt cho nó là Kim Long (tên mộc là Rồng Vàng). Có lẽ rượu Kim Long nổi tiếng có tên từ đấy. 

     Ông Nguyễn Quân, một người nấu rượu có tiếng ở làng Kim Long. Ảnh : thanhnien.vn

 

2. Sự thật là rượu Kim Long có từ thời nào, thật khó minh định chính xác. Có thể nó có từ khi lập làng. Việc truy nguyên làng Kim Long có tên từ niên đại nào để xác quyết rượu Kim Long có từ lúc nào chưa thật cần thiết. Cái quan trọng là đặc sản rượu Kim Long nổi tiếng làm nên thanh danh của làng và rộng ra, của một vùng đất. Bởi lẽ, ngoài các tập tục khác, tục uống rượu của dân ta đã có từ xưa. Sách Lĩnh nam chích quái ghi: “Hồi quốc sơ, dân ta lấy vỏ cây làm áo…dùng gạo tri nấu rượu…”; sách An Nam chí lược lại có đoạn: “ Thừa tướng Lữ Gia chẳng chịu ra mắt sứ giả nhà Hán, Cù Thái hậu mưu giết, bèn mở hội trong cung, lúc uống rượu Thái hậu bảo Gia rằng…”. Việc xảy ra năm Nguyên đinh thứ 4 (113 trước Tây lịch), chứng tỏ ta có rượu biết uống rượu từ lâu. Sách Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm có chép bài sớ của một sứ thần nhà Tống nói về Lê Hoàn: “ Hoàn thường mặc áo vải lụa…tự hát mời rượu…” (Đông thanh tạp chí, số 13 năm 1933, bài của Nguyễn Văn Tố). Như vậy, qua mấy chục thế kỷ, rượu đã được ưa dùng.

    Trải bao biến thiên lịch sử, cùng họ hàng nhà rượu trong cả nước, rượu Kim Long khó tránh khỏi những đoạn trường li bôi, sóng gió, mệnh hệ không ít đến cuộc sống con người. Chỉ tính từ thời Pháp thuộc trở đi, người Pháp chiếm giữ độc quyền nấu rượu, vẫn nấu bằng gạo mà không một người Việt Nam nào ưa chuộng, vì khe khé cay không có hương vị, lại khó uống, khắp nơi người ta cứ phải lén lút nấu lậu để uống hoặc bán. Để bảo vệ mối lợi lớn cho công ty nấu rượu của người Pháp; đồng thời để thu thuế rượu, “chính phủ bảo hộ” đã tính số đầu người mỗi tỉnh mỗi làng mà chia rượu giao cho quan lại bắt dân nhận lãnh trả tiền, dẫu không uống mặc lòng. Hằng năm, khắp nước, có biết bao người bị tù tội, tịch biên ruộng vườn vì phạt rượu lậu. Chế độ R.A (Regie Alcool: là chế độ quan quản rượu, thường gọi rượu Ty) đã ghi lại một nét sâu đậm về chính sách thực dân của cường quốc “khai hóa”! Chính một công chức người Pháp hồi ấy đã giữ phần việc bài trừ “rượu lậu” (rượu của người dân quê nấu lén) đã viết một quyển sách về cái nạn thảm khốc này (Jean Marquet De la riziere a la montagne. Librairie delalain Pari 1920).

      Rượu Kim Long được mọi người ưa chuộng được nấu theo phương thức cổ truyền, rượu rót sủi tăm đậu bên thành chén không tan, gọi là rượu tăm, chừng 45 – 50 độ. Uống êm dịu nhưng say ngầm. Cái lạ là những vùng lân cận nấu rượu không ngon như rượu làng Kim Long. Chưa có kết luận khoa học nhưng nhiều kiến giải lại cho rằng yếu tố quyết định là nguồn nước (tỉ trọng nhẹ hơn các vùng khác), còn các bí truyền trong khâu sản xuất chắc người Kim Long khó có thể thủ nghiệp hàng trăm năm nay được. Rượu Kim Long bị người Pháp đoạt quyền sản xuất theo hướng công nghiệp và “xuất khẩu” trở lại “mẫu quốc” thì ai cũng rõ.

      Sự thật rượu Kim Long đã được chào đón khách quý đến từ Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Đó là nguồn lợi kinh tế của quê nhà và niềm tự hào của xứ sở rượu quý Hải Lăng này vậy.

Tác giả : Võ Văn Luyến

  • Bài viết (phần 2) sử dụng nguồn tư liệu từ cuốn Đất lề quê thói của tác giả Nhất Thanh; 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *