Xưa & Nay

Đầu xuân ngồi ngắm Đông Hà

Đông Hà, phố không lớn, nhà không cao nhưng nhịp sống lại vô cùng sôi động. Có khi là thành phố nhưng nhịp sống chậm buồn như một thị xã, lại có thị xã nhưng hối hả, tất bật giữa dòng đời với nhịp sống của một thành phố. Đông Hà là một thị xã như thế.

  1. Khởi thuỷ chỉ là một xóm nhỏ hồi đầu thế kỷ XX, với một ga xép vắng vẻ cho những chuyến hoả xa Bắc – Nam ghé lại chở hàng của những nhà tư bản ngượi Pháp. Ông Manpouech, vốn là công sứ ở Xavanakhẹt (Lào), đã từ quan để theo nghiệp kinh doanh. Khi người Pháp vận động phu phen đi mở đường nối Đông Hà lên tận sông Mêkông và đường 9 nên hình hài vóc dạng thì ông Manpouech đã lập một đoàn xe chuyên chạy tuyến này chở tài nguyên khai thác từ Lào về đây theo đường 9, xuống ga Đông Hà rồi theo tàu hoả chở ra tận cảng Hải Phòng. Những năm kháng Pháp, Đông Hà cũng chỉ là một thị trấn nhỏ với khoảng hơn ngàn dân. Phải đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu, khi sông Hiền Lương thành giới tuyến quân sự tạm thời thì Đông Hà mới trở thành vị trí tiền đồn cho quân đội Sài Gòn. Thị xã với ngổn ngang sắc lính, xe cộ, ầm ào bụi bặm, những mái tôn nhà dân bên mái tôn trại lính. Một quân trấn ô hợp nhếch nhác và… kinh khủng. Tất cả chìm trong hầm hập nắng và gió Lào táp lửa vào mặt người.

Sau giải phóng, như nhiều thị trấn khác với số phận bị quên lãng sau những cuộc sáp nhập, hoán chuyển, chia tách địa giới hành chính, Đông Hà lại được người ta nhớ tới như là nơi dừng chân cho hàng triệu chuyến xe xuyên Bắc Nam và đặc biệt một thời trứ danh với đoàn xe tải chở hàng quá cảnh từ cảng Đà Nẵng qua Lào bằng quốc lộ 9. Thuở ấy, từ chỗ là con đường được bạn Lào mượn quá cảnh mà Đông Hà trở nên nổi tiếng với dân buôn lậu từ khắp nơi đổ về. Những năm ấy người thị xã đã từng giàu có lên trên những ngờm ngợp hàng Thái Lan với xà bông Pamolive, thuốc lá Samit, quần Jean, mì chính, mỹ phẩm, đường hoá học, vải vóc… Thời đó, kinh tế đang bao cấp, những mặt hàng ngay cả các thành phố lớn cũng đang khan hiếm, dẫu có vàng chưa chắc đã mua được thì ở Đông Hà, hàng đó theo những chuyến xe quá cảnh lén lút chảy về. Nhiều người hẳn không quên một từ rất lạ nhưng thịnh hành ở Đông Hà những năm ấy là từ “xơng lẹc”- đấy là chỉ nguồn hàng được gùi cõng qua biên giới tuyến Lao Bảo – Sêpôn mà luồn suối băng rừng về tận Đông Hà rồi “phân phối” đi khắp nước.

                                                                   Đông Hà sau giải phóng. Ảnh : internet

  1. Hơn mười năm sau ngày giải phóng thị xã đã có những tháng ngày “đoạn trường” như thế. Năm 1989, khi tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra, trở lại địa giới cũ, khác với Đồng Hới của Quảng Bình hay nhiều tỉnh khác, Quảng Trị đã không trở lại với tỉnh lỵ ngày xưa là thị xã có Thành Cổ bên sông Thạch Hãn mà chuyển ra Đông Hà, chọn cái thị xã trẻ trung ồn ào làm nơi đặt trung tâm hành chính – kinh tế – văn hoá. Và từ đấy Đông Hà tự tin bước vào danh mục “thị xã tỉnh lỵ” của đất nước, không hề mặc cảm với cái tầm vóc còn bé nhỏ của mình. Còn nhớ những ngày hè đầu tiên sau khi tái lập tỉnh, giữa một Đông Hà xô bồ ngổn ngang công trường xây dựng, gã nhà thơ lãng tử Phương Xích Lô đã đạp chiếc xe xích lô cà mèng của anh vượt hơn bảy chục cây số từ Huế ra Đông Hà để rồi có hai câu thơ xứng đáng được gọi là tuyệt bút về thị xã bấy giờ:

“Thị xã của em dùng toàn đồ ngoại

Đến gió thôi cũng xài tới… gió Lào!”

Mà quả thế, cái vị trí ngã ba đường với một chợ đầu mối sầm uất từng được mệnh danh là “bệ phóng hàng lậu” đã khiến cho Đông Hà đượm màu đồ ngoại. Nhưng “đồ ngoại” chỉ là phần phô phang trần ai của thị xã gió bụi này, còn trong lòng nó giữa những quả đồi lúp xúp sim mua và chằng chịt cây xấu hổ thì vẫn nhiều nhiều những mái nhà tôn, che chắn bởi ghi sắt rỉ rét như Đông Hà trại lính năm nào. Vẫn những gương mặt người khắc khổ âu lo áo cơm sinh kế. Và với cái gia tài ngổn ngang rách rưới ấy, người Đông Hà bắt đầu gầy dựng tương lai cho mình. Dẫu còn bầm dập đớn đau nhưng niềm hy vọng về tương lai vẫn cháy khôn nguôi trong ánh mắt mỗi người dân nơi đây.

Bước ra từ một chiến trường, nhà cửa được tận dụng từ những mái tôn trại lính, không ở đâu trên đất nước này mà khi đào móng dựng nhà người dân cuốc phải bom mìn nhiều như ở Đông Hà vào những năm sau ngày giải phóng.

Sau này, trong các báo cáo về những ngày đầu lập tỉnh, các văn bản đều nhắc rằng gia tài của thị xã Đông Hà ngày đó chỉ có một… ki lô mét đường nhựa (!), còn lại tất cả đều là đường đất, thị xã không có lấy một ngôi nhà hai tầng. “Thắp đèn dầu, uống nước giếng, đi đường đất” – đấy là câu văn tả thực chân xác nhất về Đông Hà ngày ấy.

Còn nhớ ngày những chiếc xe ủi đặt ben khởi sự xây dựng đại lộ Hùng Vương xuyên suốt một chiều Bắc Nam thị xã, con phố mới mở băng qua những đồi cỏ khô cháy, chen chúc cây dại, lau lách, các loài chồn cheo nghe tiếng xe san ủi gầm rú kéo nhau chạy tứ tán, chỉ mấy năm sau đã thành trung tâm hành chính với nhiều nhà cao tầng, các công sở cơ quan quan trọng đều tập trung ở đây. Đất hoang đồi trọc năm xưa nay đã tính nền đất với giá tiền tỷ.

Trong nỗi nhớ pha lẫn ngán ngại của nhiều người khi nghĩ về Đông Hà chính là những cơn gió Lào táp lửa mặt người thì giờ đây nghĩ về những thành tựu của năm tháng qua có lẽ nên tự hào về chuyện cải tạo gió Lào. Những cơn gió vẫn tràn qua thị xã nhưng không còn lồng lộn tung bờm như đàn ngựa chiến. Có ai hay để cải tạo ngọn gió ấy mang thoảng dịu hơi nước mát lành qua lòng thị xã, ba mươi năm qua người Đông Hà đã xây dựng một loạt những hồ nước lớn nhỏ vây quanh thị xã như một máy điều hoà không khí, và những lâm viên mọc lên như một thách thức với ngọn gió hoang hoải khô nóng kia. Bây giờ ở khu vực phía Tây thị xã, bên hồ Khe Mây một công trình thuỷ lợi không chỉ tưới tắm cho hàng trăm hecta ruộng mà còn một chức năng khác là cải tạo môi sinh cho thị xã. Bên hồ là khu trường Cao đẳng Sư phạm với những toà nhà cao tầng soi bóng. Nhiều biệt thự đẹp đã mọc lên ven hồ. Ở đấy có một phố nhỏ mà hầu như những chuyên gia nước ngoài đến đây làm việc đều chọn để ở. Một khu nhà bên hồ, thấp thoáng dưới bóng thông reo và thơm nhẹ mùi hương hoa tràm vàng, không ai nghĩ đấy là hình ảnh có được ở miền đất này.

Nhưng có lẽ con đường số 9 huyết mạch khởi đi từ Quốc lộ 1 ngay tại Đông Hà mới thực sự đã mang lại cho Đông Hà một vị thế mới. Nghe nói rằng ngày xưa khi ký hiệp định Geneve, người Pháp và Mỹ cương quyết đưa giới tuyến ra vỹ tuyến 17 chỉ để con đường 9 chiến lược này nằm về phía Nam Việt Nam. Nay đường 9 thật sự là một động lực để Đông Hà cùng với Lao Bảo chiếm lấy thế mạnh của đầu cầu xuyên Á trên hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

                                                        Chợ Đông Hà

Và cái biểu hiện cụ thể nhất của lợi thế trên hành lang này chính là ngôi chợ Đông Hà bề thế tọa lạc ngay ngã ba Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9.

Một ngôi chợ hàng tỉnh nhưng thu hút một lượng khách không thua kém bất cứ một ngôi chợ ở một đô thị lớn nào, ấy là nhờ vào một lượng hàng hóa phong phú và đa dạng được hội tụ từ nhiều nguồn, nhiều miền, nhiều quốc gia, và du khách xuyên Việt, ít ai không ghé vào ngôi chợ với kiến trúc độc đáo như những con thuyền chuẩn bị ra khơi bên bến sông Hiếu.

Dĩ nhiên để gọi là thành phố không chỉ là phố phường cao rộng hay chợ búa sầm uất, những điều đó chưa thể dựng nên tầm vóc một đô thị, nhưng phía sau những điều ấy, khi ngoảnh nhìn quá khứ hoang tàn bởi chiến tranh của mình, hẳn niềm tự hào ấy sẽ được người Đông Hà biến thành động lực cho mỗi cư dân mang khát vọng dựng xây mảnh đất này thành thành phố đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Thoáng chốc đã hơn bốn mươi năm từ ngày đất nước thống nhất, thoáng chốc đã gần ba mươi năm vèo trôi từ ngày Đông Hà thành tỉnh lỵ. Cho dẫu có khiêm tốn thì nhìn phường phố hôm nay người Đông Hà không thể không nở nụ cười tự hào. Nhiều người Quảng Trị ly hương biệt xứ tận trời Nam đất Bắc nay trở về quê không còn nhận ra đâu là phố xưa bom đạn, nhìn thành phố quê nhà phổng phao hình hài một thiếu nữ đang độ xuân thì mà mừng đến khóc.

  1. Nhưng sau câu chuyện vượt lên với tốc độ chóng mặt của xây dựng hạ tầng, là nỗi lo canh cánh mà ngay từ khi được công nhận là đô thị loại 3, Đông Hà đã có một hội thảo về đề tài:  “Truyền thống lịch sử – văn hoá Đông Hà với sự phát triển của văn hoá đô thị” .

Đấy là những vấn đề bức bách khi chuyển đổi từ thiết chế xã hội cổ truyền với những giá trị lịch sử văn hoá truyền thống lên một thiết chế xã hội công nghiệp với nền văn minh đô thị. Với Đông Hà những thách thức ấy vừa mang những yếu tố chung như bất cứ sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam nhưng cũng có những yếu tố cụ thể và đặc thù của vùng đất này. Sự đa tạp của thành phần dân cư dẫn đến sự đa dạng của lối sống; Nhận thức về những giá trị truyền thống lịch sử chưa thấu đáo; Tốc độ phát triển nhanh của đô thị phá vỡ các thiết chế văn hoá làng xã truyền thống; Nguy cơ bị mai một của các giá trị văn hoá cổ truyền; Tâm lý nông dân, tính cố kết cộng đồng làng xã và những bất cập của đời sống thị dân và nhịp điệu sống công nghiệp… Những thách thức ấy với mảnh đất Đông Hà hình như đang thể hiện rất rõ mỗi ngày. Một đô thị phát triển thường được xem là phát triển tương hợp trên hai bình diện: Văn minh đô thị và văn hóa thị dân.

                                                                  Đô thị Đông Hà nhìn từ trên cao. Ảnh : internet

Trong một lần đi trên những vỉa hè lát đá hoa cương rất đẹp ở Huế, một người bạn vong niên của tôi là kiến trúc sư từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đã nói đại ý: Trước khi nghĩ đến chuyện lát những vỉa hè bằng đá Italia đẹp lãng mạn và cổ điển như thế này hãy nghĩ đến chuyện làm sao cho người dân nhai kẹo cao su xong không nhả bã xuống vỉa hè… Giáo sư Hồ Sĩ Vịnh, một nhà nghiên sứu văn hoá uy tín (Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật) trong một công trình nghiên cứu về tốc độ đô thị hoá ở Việt Nam đã chỉ ra một vấn nạn là cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra rất nhanh thì một nghịch lý khác cũng đang diễn ra trong lòng các thành phố là quá trìnhNông thôn hoá đô thị”.

Nhiều người vẫn quan niệm rất giản đơn rằng thành phố nghĩa là nhà thật cao, đường thật rộng, người thật đông… Những điều ấy không có gì sai, nhưng theo tiêu chuẩn của đô thị lý tưởng, đấy là đô thị với số dân không quá 10 vạn, kiến trúc phù hợp với môi trường sống, không bị ô nhiễm, không kẹt xe, nhiều cây xanh, đảm bảo các nhu cầu về thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho cư dân. Không ai phủ nhận Đông Hà đang thay đổi với một tốc độ rất nhanh, nhất là trong việc xây dựng nhà cửa. Nhưng mỗi năm người ta xây dựng hàng ngàn ngôi nhà trong thị xã này với đủ kiểu dáng kiến trúc, vô số màu sắc, đường nét… tuỳ theo thẩm mỹ, thị hiếu văn hoá (và cả túi tiền gia chủ) nhưng tất cả những điều ấy không có nghĩa đã là đô thị hóa (dù có hàng trăm ngôi nhà trên thị xã này giá trị của nó đã phải tính bằng tiền hàng chục tỷ). Nhưng có lẽ, như khi người ta chuẩn bị cho một hành trình lớn lao phải xem lại hành trang, vốn liếng cho dặm đường thiên lý, gia tài của Đông Hà để mai rồi lên đô thị loại 2 đâu chỉ là những con phố thật to, đường thật rộng, nhà thật cao, chợ thật đông… mà còn là những dấu xưa lịch sử vẫn còn chìm sâu ngàn vạn năm qua trong đất đai đồng bãi, là những cư dân Champa đã sống trên đất này với âm sắc còn vương trong những câu hò đêm đêm bên bờ sông Hiếu, cụ thể như bát mắm nêm và đĩa rau khoai lang luộc luôn có trong mâm cơm cúng Đất của những người dân miền Trị – Thiên vẫn tưởng nhớ dân Chiêm Thành thuở trước, đấy còn là  những câu hò điệu hát, là cách ăn nết ở, là nghề nghiệp nối truyền, là hội hè tín ngưỡng… May sao người Đông Hà đã chuẩn bị những hành trang ấy.

Và người Đông Hà không thể nói rằng sau một đêm ngủ dậy ta đã trở thành người thành phố. Để là những thị dân trong một đô thị văn minh hiện đại vừa là khát vọng, vừa là một thách thức. Vì phải là người thành phố đúng nghĩa, đô thị mang tầm vóc thành phố đúng nghĩa chứ không phải chỉ là chuyện có tên thành phố để ghi lên những dòng địa chỉ như một sự sang trọng.

Ngày chiến tranh người ta nói “một cân thóc ở Quảng Trị nặng hơn cân thóc nơi khác” bởi thóc lúa ấy được tưới bón bằng máu. Cũng nói về sự tàn phá, một nhà báo nước ngoài gọi đây là “vùng đất bị tàn phá 200%”. Nhớ lại chuyện xưa cũng để hôm nay thêm vui, rằng, để xây dựng một góc phố khang trang hôm nay ở Đông Hà – thành phố thủ phủ Quảng Trị này, người dân nơi đây phải nỗ lực… 200% so với nơi khác! Và chỉ riêng điều đó cũng xứng đáng để người Quảng Trị tự hào về thành phố của mình!

Lê Đức Dục (theo tapchicuaviet.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *