Kinh nghiệm làm nhà

Giai đoạn nào bản vẽ nấy

Hỏi : Tôi dự định năm nay xây nhà, bắt đầu tìm gặp nhà thầu và bên thiết kế, nhưng tôi hơi rối khi thấy có nhiều loại bản vẽ, hồ sơ thiết kế quá. Xin hỏi: Tôi có thể giảm bớt quy trình thiết kế, chỉ cần bản vẽ xin phép hoặc hình ảnh minh họa mặt tiền thì có thể xây nhà được không, vì tôi nghĩ nhà mình nhỏ đâu như công trình lớn, cần gì làm nhiều bản vẽ cho phức tạp và tốn thêm chi phí. Nhờ quý báo tư vấn giúp tôi vấn đề này. 

(Phạm Thị Ánh Dương- TP Hồ Chí Minh)

Dù cho thời đại công nghệ thông tin phát triển đến đâu thì người dân khi chuẩn bị làm nhà vẫn còn rất nhiều mối lo, từ phân vân chọn người chuyên môn, đến lo xin phép rồi hoàn công, lo mua sắm vật tư, thiết bị… khiến gia chủ nhiều khi “quên” mất mình cần hiểu rõ các giai đoạn chính: (1) giai đoạn chuẩn bị ý tưởng và hồ sơ liên quan; (2) giai đoạn thiết kế và tính toán mọi mặt; và (3) giai đoạn thi công xây dựng và hoàn thiện. Đối với từng giai đoạn đều có những cá nhân, công ty có chuyên môn đảm trách từng phần hay toàn phần công việc. Phần thiết kế các bản vẽ và hồ sơ liên quan chủ yếu nằm ở 2 giai đoạn đầu.
Trước tiên, để tránh quan niệm xem thiết kế là “bày vẽ” phức tạp và tốn kém, cũng như có trong tay những hồ sơ cần thiết cho việc xây nhà, cần phân biệt 2 khái niệm “bản vẽ” và “thiết kế”. Bản vẽ có sau, thiết kế có trước, có thiết kế chẳng cần bản vẽ chỉ cần đứng nói hoặc chỉ cho thợ làm (miễn là làm được). Có công trình nhỏ xíu là nhà vệ sinh công cộng hay cái ghế ngồi ở công viên được thiết kế đàng hoàng cẩn thận đến từng chi tiết, tiện dụng, đẹp đẽ và tiết kiệm chi phí.
Thiết kế không chỉ là thiết kế mẫu nhà, ra mặt bằng, lên mặt đứng, mà còn là thiết kế kỹ thuật kết cấu, thiết kế điện, nước, thiết kế đồ nội thất. Một số nhà thầu nói với gia chủ rằng họ chỉ cần nhìn mẫu (ảnh chụp, hình tham khảo) là làm được, gia chủ khỏi cần đưa bản vẽ. Nhưng thực tế họ vẫn phải tính toán cụ thể chi tiết (chẳng qua là họ làm việc đó “khuất mắt” gia chủ mà thôi) và những mẫu thiết kế nào phức tạp hoặc chưa từng quen làm thì đa phần sẽ bị “lái” sang hướng dễ làm hơn (theo họ), thậm chí làm sai ý đồ, sai kỹ thuật, lãng phí và mất an toàn (nhất là ở phần kết cấu).
Thiết kế có rất nhiều cách thể hiện, trong đó cách rõ ràng và khoa học hơn cả là thể hiện qua bản vẽ, giấy trắng mực đen, bản vẽ vừa là cơ sở kỹ thuật vừa là cơ sở pháp lý để các bên căn cứ vào đó mà đưa ra khối lượng, chi phí, yêu cầu, và kiểm tra thực tế có đúng với ý đồ ban đầu không. Dù thời nay có nhiều công cụ tương tác như hình ảnh 3D hay mô hình thì vẫn chỉ là tham khảo, minh họa thêm, còn để xây dựng từ thô đến hoàn thiện thì mọi công trình đều phải có bản vẽ cho từng phần việc, giai đoạn nào sẽ có bản vẽ nấy tương ứng.
Giai đoạn 1, chuẩn bị ý tưởng và hồ sơ liên quan chính là giai đoạn mà mỗi gia chủ cần xác định được mục đích sử dụng của ngôi nhà, từ đó bên thiết kế mới có thể đáp ứng tối ưu. Có thể hiểu mục đích sử dụng của gia chủ, các nhu cầu về thẩm mỹ, công năng, kỹ thuật, phong thủy… là “nhiệm vụ thiết kế” của KTS. Gia chủ cũng cần chủ động tìm kiếm, đưa ra một số ý tưởng, sở thích, style cá nhân… mà mình thích, chứ không nên “khoán trắng” cho nhà thầu hay KTS theo kiểu “tôi không rành đâu, mấy anh cứ làm sao coi cho được”, vì suy cho cùng đó là ngôi nhà của mình sẽ ở, mình phải chịu trách nhiệm về đơn đặt hàng của mình. Các KTS cũng khó có thể làm việc với một gia chủ không chịu hoặc không muốn hình dung về ngôi nhà của mình cần có gì, mà cứ liên tục thay đổi tùy hứng. Cho nên phải có các thời điểm “chốt hạ” vấn đề, bản vẽ lúc đó là cơ sở để các bên làm tiếp, không quay lại, không rẽ ngang.
Một số gia chủ đủ kinh nghiệm có thể lên ý tưởng và thiết kế sơ bộ cho nhà mình (bằng nhiều cách, như ghi ra, tập hợp hình ảnh, hay thậm chí vẽ nguệch ngoạc) rồi mới đi tìm KTS hoặc công ty tư vấn thiết kế để hiện thực hóa lên bản vẽ chi tiết, có tiêu chuẩn, kích thước rõ ràng, đồng thời xem xét lại những ý tưởng trong thiết kế sơ bộ của gia chủ có khả thi hay dẫn đến rủi ro nào không.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu này, gia chủ cần phải chuẩn bị giấy tờ pháp lý, tìm hiểu các quy định tại vị trí công trình, tránh tình trạng lơ mơ dẫn đến tranh cãi về quy mô được phép xây dựng, ách tắc giấy tờ xin phép cũng như hoàn công về sau. Việc này có thể được tham vấn tại cơ quan quản lý xây dựng địa phương, hoặc qua các công ty tư vấn, nhưng rất cần đích thân gia chủ tiến hành theo các quy định liên quan, chứ không thể “khoán trắng” cho ai đó.
Cần lưu ý rằng, bản vẽ xin phép chỉ thể hiện các quy định về quản lý xây dựng như số tầng, tổng chiều cao và chiều cao từng tầng, ban công nhô ra bao nhiêu, chừa sân trước sân sau bao nhiêu… chứ không phải thể hiện toàn bộ ý đồ mà gia chủ muốn. Trình tự phù hợp là gia chủ nên có bản vẽ thiết kế ý tưởng cơ bản trước, sau đó mang đi xin phép, nếu chưa khớp với quy định xây dựng thì điều chỉnh thiết kế sơ bộ để sao cho vừa không vi phạm quy định xây dựng và vừa đáp ứng nhiều nhất các nhu cầu ban đầu. Trong thời gian chờ đợi giấy phép thì có thể tiến hành làm các phần việc ở giai đoạn 2, nhưng tuyệt đối tránh tình trạng chưa ra giấy phép (hoặc chưa biết có được cấp phép hay không) mà đã… ra bản vẽ móng để vài ngày nữa động thổ! Kỹ sư Nguyễn Văn Cần, một nhà thầu lâu năm khuyến cáo rằng: “Tuyệt đối tránh kiểu vẽ sơ sài, thiết kế rượt đuổi theo tiến độ. Nếu e ngại do chọn ngày giờ phong thủy thì gia chủ có thể động thổ lấy ngày, chứ tôi không bao giờ làm gì nếu gia chủ không có giấy phép và không có hồ thiết kế kỹ thuật chính thức được duyệt”.
Giai đoạn 2 là giai đoạn thiết kế, đây là giai đoạn gia chủ cùng công ty tư vấn-thiết kế kiến trúc (hoặc các KTS làm việc tự do) trao đổi để dần hoàn thiện các bản vẽ thiết kế cơ sở và bản vẽ kỹ thuật thi công (kết cấu, điện nước…). Trong bản vẽ thiết kế cơ sở, bên thiết kế sẽ xác định vị trí, phân khu công năng nhà, và cùng gia chủ tham khảo hình thức, xu hướng, kiểu dáng công trình dựa trên sở thích và ý tưởng của gia chủ (kiến trúc tối giản, kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc nhiệt đới…). Thiết kế cơ sở phải có kích thước cơ bản, lên mặt cắt, mặt đứng, và hình khối 3D tổng thể công trình… để gia chủ dễ dàng hình dung, nhưng chưa đi vào chi tiết, vì giai đoạn này có thể xảy ra nhiều phương án và sự chỉnh sửa sao cho đôi bên tìm được điểm thống nhất.
Kết thúc giai đoạn 2 là bản vẽ chi tiết (còn gọi là hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công) bao gồm toàn bộ bản vẽ kiến trúc triển khai, bản vẽ kết cấu, bản vẽ bố trí điện, nước, điện lạnh… tất cả các bản vẽ ở hồ sơ kỹ thuật này đều phải rõ ràng chi tiết để cho giai đoạn 3 có thể thi công chuẩn xác, tránh các nhầm lẫn, tranh chấp trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, một số ngôi nhà còn có cả bản vẽ thiết kế nội thất, vật dụng thể hiện từng chi tiết nhỏ của từng phòng. Tuy nhiên, nhóm bản vẽ này có thể làm sau phần thiết kế kỹ thuật, và chi phí tính riêng, có thể nằm trong gói làm nội thất thực hiện sau này.
Một số thầu phụ như đồ gỗ, nội thất bếp, cửa chuyên dụng, mặt dựng nhôm kính, nhà thông minh… còn có hệ bản vẽ riêng theo chuẩn của họ, sẽ được thực hiện sau khi bản vẽ kỹ thuật đã được các bên cùng thông qua, chuyển sang giai đoạn mời thầu và bóc tách khối lượng dự toán chi tiết.
Đơn cử một ngôi nhà có 3 bản vẽ thể hiện khu vực bếp tương ứng 3 giai đoạn làm việc. Lúc đầu là bố trí khu bếp trong tổng thể ngôi nhà, có tham khảo phong thủy về vị trí đặt bếp và các công năng chính. Sang giai đoạn thiết kế kỹ thuật thì bản vẽ bếp thể hiện chi tiết phần xây dựng, kích thước chính xác các định vị đặt bếp, bồn rửa, ổ cắm điện, ống thoát nước. Nhưng đến đây vẫn chưa phải là bản vẽ thiết kế bếp sau cùng nếu gia chủ có ý định xài hệ thống tủ kệ bếp của một nhà cung cấp X. nào đó, thì bên X. sẽ cử chuyên gia làm việc cùng với các bên liên quan để từ đó ra bản vẽ chi tiết đến từng hộc tủ bếp, tay nắm loại gì, ván gỗ và mặt đá loại nào, thậm chí đến cả loại bồn rửa, loại bếp điện từ hay bếp gas gắn trên đó. Kèm theo là các góc phối cảnh minh họa chi tiết bếp, màu sắc vật liệu, và cả báo giá tương ứng với thiết kế đó.
Giai đoạn 3, sau khi xin phép và có đầy đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật sẽ đến giai đoạn xây dựng, bao gồm thi công cơ bản và thi công hoàn thiện. Giai đoạn này có thể xuất hiện một số bản vẽ phát sinh do thực tế phải điều chỉnh, được các bên thống nhất và bổ sung vào hồ sơ kỹ thuật đã có. Cuối cùng là bản vẽ hoàn công, mang tính pháp lý và kiểm tra lại xem công trình làm có đúng với giấy phép xây dựng hay không.
Như vậy, để một ngôi nhà dù lớn hay nhỏ được xây dựng hoàn chỉnh và ít xảy ra trục trặc thì cả 3 giai đoạn tương ứng với các loại bản vẽ khác nhau đều quan trọng như nhau. Thực tế không có bản vẽ nào là thừa hoặc có thể giảm bớt, vì mỗi bản vẽ có vai trò khác nhau, có trước có sau, có sơ khởi rồi mới đến chi tiết, với quy cách của từng chuyên ngành.
Hình chụp thực tế một công trình sau khi xây dựng – công trình đã có bản vẽ phối cảnh

KTS. Thu Hường, Ảnh : Phương Huỳnh 

(theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *