Cà phê với Kiến

Mẹ ta trả nhớ về không *

“Hên quá vợ, Ngày của Mẹ năm nay rơi đúng vào chủ nhật đấy! Cả nhà mình về quê nhen!”. Con gái anh 15 tuổi nửa nằm nửa ngồi trên sofa, giọng nói không thể lười biếng hơn: Năm nào mà không rơi vào chủ nhật hả ba! Người ta quy định như thế mà, cứ cái chủ nhật thứ hai của tháng 5 là Mother Day thôi, khỏi hên cũng chủ nhật!

Con gái anh học trường quốc tế, nó rành những điều này nhờ có các cô nhắc nhở thông qua các bài học hội họa thủ công vân vân.
Khỏi hên cũng chủ nhật, anh thầm nghĩ, Ngày của Mẹ, người xưa đã thu xếp rồi, phải chọn sao thuận tiện nhất với “lũ con”. Tụi bây không thể vin cớ bận đi làm việc mà không về với mẹ nhé! Hay là người xưa đầy ẩn ý, như một sự mặc định, hễ đóng vai “lũ con” thì phải là một lũ vô tâm nên phải thu xếp cho chúng?… Anh cứ lung tung nghĩ ngợi khi chạy xe trên đường về. Dạo này anh về với mẹ thường hơn, nên vợ anh có vẻ không vui vì thời gian cho con cái vui chơi giải trí bị cắt xén. Đặc biệt, vợ anh có một suy nghĩ dễ hiểu mà khó cảm thông, đó là, mẹ anh đã không còn nhớ gì, về hay không về mẹ có nhận ra đâu. Anh nhớ hôm đó mình suýt tát tai vợ trong cơn nóng giận. May mà anh kiềm chế được!
Khoảng sáu tháng trước, cũng trong một lần về nhà mẹ, anh ghé siêu thị huyện mua một số đồ dùng, thực phẩm thường ngày như khăn giấy, xà bông, nước mắm, dầu ăn… Anh nghĩ là mẹ sẽ vui vì không phải mất công ra tạp hóa xách nặng hay là nhờ vả mấy đứa cháu nhỏ mua giùm. Khi anh lỉnh kỉnh xách đồ vào, mẹ đứng ngay bậc cửa nhìn anh hỏi: Xin lỗi chú đi giao hàng cho ai, tôi đâu có mua!
Câu hỏi của mẹ làm anh bất động. Trước đây anh hay cho mẹ tiền chứ chưa tự mình mua sắm kiểu này. Hay là mẹ đùa với anh, nhưng không phải. Nhìn ánh mắt mẹ ngạc nhiên, mơ hồ thì anh biết mẹ không nhận ra anh thật. Anh biết mẹ đã bắt đầu quên. Đầu tiên là mẹ quên tên mấy đứa cháu nhưng chỉ cần nhắc sơ thì bà nhớ ra liền. Có những thứ, bà cứ hỏi đi hỏi lại. Mới sáng mẹ hỏi lúc này công trình của con ở đâu, thì chiều bà lại hỏi tiếp cũng câu hỏi ấy. Mẹ quên mình đã ăn sáng, quên đã uống thuốc, quên đóng cửa rào theo lời con dâu út dặn khi nó đi ra khỏi nhà. Nhưng mà mẹ quên cả con trai mình thì anh chưa hề nghĩ tới. Sáu tháng trước, bỗng dưng anh thành một gã giao hàng ngớ ngẩn khi đứng trước mặt mẹ mình. Xin lỗi chú đi giao hàng cho ai, tôi đâu có mua! Câu nói lịch sự nhã nhặn đúng kiểu con người mẹ lại đau như một nhát chém. Câu nói làm anh đổ gục.
Bữa đó anh lẳng lặng vô nhà. Mẹ anh đứng nép qua một bên cửa nhường đường nhìn anh lạ lẫm. Anh thay ra cái áo thun và quần xà lỏn mỗi khi về mẹ anh hay mặc. Anh dắt tay mẹ vô giường ngồi, hai bàn tay nắm lấy nhau, đan cài, siết nhẹ. Anh sắp khóc. Và như có một cái công tắc bật mở, mẹ nhận ra anh. Ánh mắt mẹ hết băn khoăn và trở nên hồ hởi, hỏi anh đi xe mệt không, hỏi anh ăn cơm chưa và mẹ nhớm chân đi dọn. Lần này mẹ quên hỏi anh câu quen thuộc là vợ và mấy đứa nhỏ đâu. Phút giây ngắn ngủi Xin lỗi chú đi giao hàng cho ai, tôi đâu có mua! trôi qua không để lại một dấu vết. Như một dòng nước, một cánh chim bay ngang trời. Và lòng anh vết thương chợt sâu.
Vết thương ấy, mỗi ngày mỗi sâu thêm khi trí nhớ của mẹ cứ dần dần trở về vùng bảng lảng. Có lúc thì bà nhớ rõ, mà là kiểu nhớ đan cài những chuyện rất xa xưa. Chuyện nọ người này cứ lẫn lộn vào nhau. Gặp nhau, xưng tên thì bà sẽ nhớ, nhưng lần sau anh về thì lại xin lỗi chú tìm ai!
Và thật lạ lùng, mỗi khi mẹ ngơ ngác nhìn anh như thể một người lạ thì anh lại thấy thương mẹ tan nát, xốn xang. Đó luôn là phút giây anh phải đấu tranh giữa việc chạy tới ôm ghì lấy mẹ và cân nhắc là hành động ấy có làm mẹ bị kinh sợ không. Mẹ anh 80 tuổi, bác sĩ nói rằng không thể điều trị. Trí nhớ của bà sẽ cứ thế cứ thế, bảng lảng mơ hồ cho đến ngày mẹ thực sự thành một áng mây bay, một ý niệm ngọt ngào. Một thời gian ngắn nữa, anh là một người lạ hoàn toàn, không thể nhắc nhớ. Lúc đó, lời vợ anh nói sẽ đúng ở một phía nào đó, anh về hay không cũng vậy thôi, anh đã thành người lạ.
Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
Ông ai thế? Tôi chào ông
Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao… tôi nhớ… nó… người như ông
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng… rồi đi…
Đó là bài thơ Mẹ ta trả nhớ về không của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Anh thấy mình chợt ướt mắt đi tình cờ đọc nó, và thuộc làu chỉ sau lần đọc thứ hai. Chuyện đồng cảm đắng cay này, dĩ nhiên không phải ai cũng hiểu.
Anh nhớ 15 năm trước, khi xem xong phim 50 First Dates (50 lần hẹn đầu tiên), anh khoái chí nói với vợ, anh này coi vậy mà sướng nha, ngày nào cũng được vợ yêu như ngày đầu!
Đó cũng là một bộ phim về chuyện mất trí nhớ. Sau một tai nạn, trí nhớ của cô gái dừng lại ở ngày 13 tháng 10. Ngày nào cũng là ngày 13 tháng 10, dù cho cả chục năm sau đó, cô có chồng, có sinh con. Mỗi ngày khi thức dậy, chồng và con của cô lại trở thành người lạ. Người đàn ông trong phim, cứ để sẵn một cuộn băng video trong tầm mắt vợ mình. Khi nàng tỉnh giấc, nàng xem qua cuộc băng, sẽ hiểu mình đang là ai, sống ở thời điểm nào của dòng thời gian miên viễn và cả trái tim nàng, đang chứa bóng hình nào trong ấy. Bộ phim ghi lại những nỗ lực làm cho vợ mình luôn cảm thấy đang được yêu như ngày đầu của người đàn ông ấy.
Vui tươi, dí dỏm và ngọt ngào. Cho đến khi chứng kiến sự quên lãng của mẹ, anh thấm thía hiểu ra chuyện ấy chỉ ngọt ngào trong phim ảnh mà thôi.
Chuyện mẹ bị mất dần trí nhớ, bị lẫn lộn giữa bi thương và hòa ái số phận, thật khó chịu đựng. Nó không bắt anh ngay lập tức ẵm mẹ ra xe cứu thương nhưng vẫn khiến anh sợ cuống cuồng. Sợ cái điều tồi tệ nhất nhanh đến. Mất trí nhớ vì tai nạn, vì tuổi già, vì những cú sốc tinh thần… những ai chưa có người thân mắc phải thì sẽ khó cảm nhận, khó hiểu đủ những trạng thái cảm xúc của người… còn tỉnh.
Duy nhất một điều anh tin và thấy an ủi, là khi mẹ thật cố gắng cũng không nhận ra anh là ai, thì chỉ cần anh nắm bàn tay bà, gương mặt bà sẽ rạng ngời, dịu dàng trở lại. Anh biết có một luồng năng lượng yêu thương bất tử đang chảy qua hai bàn tay nắm ấy. Vậy là tình yêu của anh và mẹ, là thứ duy nhất không thể xóa đi, không thể quên lãng. Vì đó là mẹ và con trai của bà.
Vậy đó, cứ mỗi tuần một lần, có một người đàn ông cao to dềnh dành, tu tu khóc như một đứa trẻ khi có người mẹ già vỗ vỗ sau lưng để an ủi “chú đi giao hàng”.
* Mượn tựa một bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Đã có sự đồng ý của tác giả.
Trương Gia Hòa (theo tạp chí Kiến trúc đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *